Thị trường

Kiến nghị dừng khẩn cấp hoạt động Uber, Grab tại Việt Nam

Hiệp hội taxi Hà Nội vừa kiến nghị các cơ quan chức năng cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các loại xe hợp đồng điện tử kiểu Grab hay Uber. Lí do Hiệp hội này đưa ra là số lượng hơn 50.000 xe Uber, Grab đã phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông.

Kiến nghị dừng khẩn cấp hoạt động Uber, Grab tại Việt Nam

Taxi truyền thống "tố" Uber, Grab vi phạm các quy định và cạnh tranh không lành mạnh (ảnh minh họa)

Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội - cho biết: Hiệp hội kiến nghị cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là đang gây ra nhiều bất an cho xã hội.

"Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cần ban hành văn bản để các địa phương dừng cấp phù hiệu các xe tham gia thí điểm, không phải việc dừng mở rộng các doanh nghiệp tham gia thí điểm. Cần phải thống nhất về bản chất và tên gọi của loại hình dịch vụ Grab, Uber tại Việt Nam" – ông Bình nói.

Lý giải về quan điểm của mình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, bản chất của Uber, Grab là kinh doanh dịch vụ phần mềm tham gia hoạt động vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện (xe dưới 9 chỗ hoạt động như taxi).

"Uber, Grab phải thành lập công ty tại Việt Nam, có giấy phép cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam" - ông Bình cho hay.

Thống kê từ Hiệp hội taxi Hà Nội, chỉ trong 18 tháng áp dụng thí điểm, số lượng xe hoạt động kiểu Uber, Grab trên toàn quốc đã lên tới hơn 50.000 chiếc, riêng tại Hà Nội xe dưới 9 chỗ là hơn 25.000 chiếc. Việc này đã phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông và quá tải trầm trọng.

Ngoài ra, Hiệp hội này cũng đưa ra con số ước tính gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước do hoạt động của loại hình Uber, Grab.

"Với tổng số hơn 50.000 xe, doanh thu 30 triệu đồng/xe/tháng, tổng doanh thu là 1.500 tỷ đồng/tháng. Với mức thuế 4,5% phải thì tổng số thuế phải nộp hàng tháng là 67,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế, Uber mới chỉ nộp 10 tỷ đồng vào ngân sách từ khi hoạt động.

Trong khi đó, với 20% doanh thu Uber, Grab được hưởng thì mỗi năm dòng tiền trong nước chảy ra nước ngoài khoảng 3.600 tỷ đồng, nghĩa là mỗi ngày Uber, Grab chuyển ra nước ngoài 10 tỷ đồng" - ông Bình đưa ra các tính toán.

Hiệp hội này cũng kiến nghị việc quản lý đối với xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin như taxi về số lượng, chất lượng, phạm vi hoạt động và đưa vào trong quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi tại Hà Nội đến năm 2030.

Trước khi có quy định quản lý chính thức, đối với xe thí điểm hợp đồng điện tử cần ban hành quy định cụ thể về kích thước, màu sắc, vị trí dán logo, biểu trưng của các xe thí điểm đảm bảo rõ ràng, dễ nhận biết và giao các Sở GTVT tải địa phương in và cấp phát logo nhận diện.

Ông Đỗ Quốc Bình bày tỏ bức xúc: "Các công ty kiểu Uber và Grab vừa phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, vừa không trái với thông lệ quốc tế. Uber, Grab phải đặt máy chủ tại Việt Nam, sử dụng tên miền Internet của Việt Nam, dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ GTVT. Định kỳ các công ty công nghệ phải truyền tải thông tin tự động theo chuẩn về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT nơi quản lý để phân tích dữ liệu tập trung".

Đề nghị nói trên đồng nghĩa với việc Grab, Uber phải chia sẻ toàn bộ dữ liệu số lượng xe, danh sách xe, dữ liệu giám sát hành trình, số giờ lái xe liên tục quá 4 tiếng, số lần vượt quá tốc độ, số cuốc thực hiện, Chia sẻ thông tin về doanh thu chịu thuế ở mức 20% phía Grab và Uber đang hưởng còn 80% doanh thu thuộc về đối tác cho các cơ quan quản lý nhà nước

Hiệp hội taxi Hà Nội cũng kiến nghị sửa đổi nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải bằng ô tô bổ sung thêm quy định về phương thức tính tiền theo phần mềm ứng dụng đặt xe qua mạng cho loại hình taxi.

Tin mới lên