Diễn đàn VNF

Kinh tế tư nhân, động lực tăng trưởng quan trọng

(VNF) - Quan điểm của GS.TSKH Nguyễn Mại về vấn đề phát triển kinh tế tư nhân của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Kinh tế tư nhân, động lực tăng trưởng quan trọng

Tập đoàn Vingroup vừa khởi công Tổ hợp sản xuất ôtô VinFast tại Hải Phòng

Doanh nghiệp tư nhân Việt còn nhỏ và yếu

Từ năm 2000 đến 2017 đã có trên 1 triệu doanh nghiệp tư nhân (DNTN) được thành lập, gần 40% đã bị phá sản hoặc giải thể, nên đến tháng 9 năm nay còn khoảng 650.000 DNTN đang hoạt động; hơn 96% là DNVVN, rất nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ với vài tỷ đồng vốn kinh doanh, đất đai, nhà xưởng phải đi thuê, số lao động rất ít, gặp khá nhiều khó khăn trong kinh doanh; hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh. Hàng trăm tập đoàn kinh tế tư nhân, trong đó đã có một số tập đoàn có tiềm lực và quy mô trung bình của khu vực, nhưng năng lực cạnh tranh còn hạn chế.

So với các nước phát triển trong ASEAN thì số lượng DNTN Việt Nam còn ít, quy mô vốn chủ sở hữu và doanh số của các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam còn thua kém nhiều so với các tập đoàn kinh tế cùng ngành nghề của Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia.

Thực trạng đó đang đặt ra vấn đề cùng với việc khuyến khích phát triển DNVVN, doanh nghiệp khởi nghiệp, Nhà nước cần có chủ trương và chính sách khuyến khích việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế lớn với nhiều phương thức hợp tác đa dạng, trong đó có những tập đoàn xuyên quốc gia để đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới khi nước ta đã đặt chân vào nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp), đang hội nhập sâu rộng với thế giới.

Doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển, chiến lược thương hiệu, đầu tư công nghệ và nguồn nhân lực để thực hiện đổi mới sáng tạo; thiết lập mối quan hệ hợp tác theo chuỗi cung ứng từng sản phẩm trên thị trường trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.

Lịch sử phát triển của các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới đã diễn ra quá trình tích tụ và tập trung tư bản, hình thành các tơ-rớt, công ty đa quốc gia, gắn liền với việc quốc tế hóa hoạt động thương mại và đầu tư, đồng thời khuyến khích phát triển mạnh mẽ DNVVN.

Nước Mỹ hiện có khoảng 30 triệu doanh nghiệp từ DNTN một thành viên đến các tập đoàn xuyên quốc gia; trong đó doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng rất nhỏ, hoạt động chủ yếu trong một vài lĩnh vực như tư pháp, giáo dục, giao thông, quốc phòng… 

Trên 90% các doanh nghiệp ở Mỹ có số lao động ít hơn 500 người. Theo Cục quản lý doanh nghiệp nhỏ Hoa Kỳ (SBA), khoảng 19,6 triệu người Mỹ làm việc trong các công ty có ít hơn 20 người, 18,4 triệu người làm việc ở các hãng có từ trên 20 đến dưới 100 lao động; 14,6 triệu người làm việc trong các hãng có từ 100 đến dưới 500 công nhân; 47,7 triệu người làm việc cho các hãng có từ 500 nhân viên trở lên. Các doanh nghiệp Mỹ có doanh thu dưới một triệu USD/năm được coi là "siêu nhỏ", đóng góp 15% kinh tế Mỹ. 

Những thương hiệu như Microsoft, Ford, IBM, Coca-cola đã trở nên quen thuộc đối với hàng tỷ người tiêu dùng trên thế giới. Các tập đoàn kinh tế tạo ra phần lớn hàng hoá và dịch vụ của Mỹ, thực hiện các dự án đầu tư lớn, dài hạn, tiến hành nghiên cứu và phát triển – R&D, đóng góp phần quan trọng nhất vào sức mạnh khổng lồ của nước Mỹ. 

Tuy vậy, DNVVN cũng được phát triển mạnh mẽ; họ có quan hệ kinh doanh với các TNCs, sản xuất linh kiện, phụ tùng, phân phối sản phẩm của TNCs. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh độc lập, rất năng động và có hiệu quả. 

Kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế thì các nước đang phát triển cần và có thể phát triển với tốc độ nhanh và bền vững nếu có chính sách đúng đắn để vừa khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân để khai thác tối đa nguồn vốn và nguồn nhân lực trong nước, đồng thời tạo lập môi trường pháp lý, kinh doanh và đầu tư thông thoáng để thu hút nguồn vốn quốc tế, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Đó chính là "hai chân" của nền kinh tế quốc dân mà nước ta đã và đang sử dụng để phát triển kinh tế- xã hội với tốc độ nhanh và bền vững.

Chờ đợi Chính phủ hành động

Khi được Thủ tướng Chính phủ thăm dò ý kiến về " Chính phủ kiến tạo hay Chính phủ hành động" thì đại bộ phận đại biểu doanh nghiệp lựa chọn "Chính phủ hành động". Điều đó phản ánh nguyện vọng của doanh nghiệp là đã đến lúc "nói ít làm nhiều", phải làm cho cả bộ máy và công chức nhà nước hành động cùng với Chính phủ để thực hiện bằng được ý chí và quyết tâm cũng như những chủ trương đúng đắn đã được ban hành, để giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Có thể việc Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 3610a/QĐ-BCT cắt giảm, đơn giản hóa 675 (chiếm 55,5%) điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ này trở thành sự kiện nổi bật trong năm 2017, bởi vì việc loại bỏ giấy phép con diễn ra gần ba năm kể từ khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực là cuộc đấu tranh giữa cải cách và bảo thủ, giữa lợi ích đất nước với lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không chỉ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI biểu thị thái độ thất vọng, mà cả Thủ tướng và nhiều lãnh đạo cấp cao cũng cảm nhận được trạng thái trì trệ của một số người đứng đầu các bộ.

Sự kiện này nói lên ba điều quan trọng. Thứ nhất, khi mà bộ trưởng đã cảm thấy không thể kéo dài tình trạng gây bức xúc cho doanh nghiệp thì mạnh tay chỉ đạo bộ máy giúp việc rà soát thực chất với chức năng Chính phủ hành động để cắt giảm, loại bỏ không thương tiếc các thủ tục gắn với hành trình hàng chục năm của bộ máy nhà nước.

Thứ hai, dư luận xã hội và doanh nghiệp rất công bằng khi lên án sự chậm trễ nhưng lại hoan nghênh thái độ thực sự cầu thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, coi đó như điển hình về cải cách thủ tục hành chính và mong muốn các bộ trưởng khác cũng hành động như vậy.

Thứ ba, vấn đề doanh nghiệp chờ đợi ở Bộ trưởng Bộ Công Thương là theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quyết định này để không bị cơ quan, công chức nhà nước bằng những thủ đoạn bất minh duy trì tình trạng kiểm tra như cũ, gây nhũng nhiễu phiền hà cho doanh nghiệp.

Để phát triển kinh tế tư nhân nhằm mục tiêu đến năm 2030 nước ta có khoảng 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp 60-65% GDP thì thiết tưởng không cần bàn nhiều về giải pháp, bởi vì Nghị quyết của Đảng, chủ trương của nhà nước và của Chính phủ đã đề ra khá chuẩn xác hệ thống giải pháp, đã luật hóa nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi.

Do đó, vấn đề quyết định là hành động nhất quán và quyết liệt theo hướng cải cách của bộ máy và công chức nhà nước, trong đó như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định: bộ trưởng, chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm cá nhân về hoạt động của mỗi cơ quan; khuyến khích "văn hóa từ chức" đối với những người không hoàn thành chức trách; xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với cá nhân cố tình duy trì thủ tục và hành vi đã bị loại bỏ.

Mỗi khi vai trò cá nhân được đề cao thì tinh thần trách nhiệm cũng được nâng lên, do vậy mọi chủ trương cải cách mới thành công được.

Tin mới lên