Tài chính

Kỷ lục UPCoM: 10 công ty cùng đưa cổ phiếu lên giao dịch ngày 12/1

(VNF) - Tổng giá trị đăng ký giao dịch của 10 doanh nghiệp lên sàn UpCOM ngày 12/1 lên tới hơn 4.342 tỷ đồng.

Kỷ lục UPCoM: 10 công ty cùng đưa cổ phiếu lên giao dịch ngày 12/1

Ngày 12/1/2017, hơn 433,8 triệu cổ phiếu của 10 công ty gồm: Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - CTCP (MCK: VIF), CTCP Giấy Việt Trì (MCK: GVT), CTCP Armephaco (MCK: AMP), CTCP Kỹ thuật Xây dựng Phú Nhuận (MCK: PNT), CTCP Bia Hà Nội – Thái Bình (MCK: BTB), CTCP Xích líp Đông Anh (MCK: DFC), CTCP Xây dựng và Thiết kế số 1 (MCK: DCF), CTCP Cơ khí chế tạo Hải Phòng (MCK: CKH), CTCP Đạt Phương (MCK: DPG) và CTCP Chiếu sáng Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh (MCK: CHS) chính thức giao dịch trên sàn UPCoM của Sở GDCK Hà Nội (HNX) với tổng giá trị đăng ký giao dịch lên tới hơn 4.342 tỷ đồng.

Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - CTCP

Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), trước đây là Tổng công ty Lâm sản Việt Nam, là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập từ năm 1995.

Tháng 4/2016, Vinafor đã tổ chức IPO tại HNX, tháng 9/2016 Vinafor chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP với vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nắm giữ 51% vốn cổ phần và CTCP Tập đoàn T&T nắm giữ 40% vốn cổ phần.

Vinafor chính thức lên sàn chứng khoán

Ngày 12/1, Vinafor đưa 350 triệu cổ phiếu, mã chứng khoán VIF, lên giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 10.200 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, trong tổng số 350 triệu cổ phiếu VIF lên sàn lần này có đến gần 140,87 triệu cổ phiếu đang bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định. Trong đó, 140 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông chiến lược CTCP Tập đoàn T&T đang bị hạn chế chuyển nhượng 5 năm từ 1/9/2016 đến 31/8/2021, còn lại là số cổ phiếu của cán bộ công nhân viên Tổng công ty.

CTCP Bia Hà Nội – Thái Bình

CTCP Bia Hà Nội - Thái Bình (BTB) chính thức giao dịch trên sàn UPCoM vào ngày 12/01 với mức giá tham chiếu là 11.000 đồng/cổ phiếu.

Được biết, Công ty Bia Thái Bình tiền thân là hai doanh nghiệp nhà nước hợp nhất giữa Công ty Bia Rượu Ong Thái Bình và Nhà máy Bia Thái Bình, được cổ phần hóa vào ngày 04/04/2005. Sau đó, công ty được bàn giao cho Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - mã chưng khoán BHN) vào ngày 13/06/2005, đến nay vốn điều lệ của BTB đạt 40 tỷ đồng, trong đó BHN nắm giữ 51% vốn điều lệ.

Về hoạt động kinh doanh, giai đoạn 2012 – 2015 chứng kiến một sự biến động lên xuống đan xen, trong đó riêng năm 2014 BTB ghi nhận thua lỗ hơn 27.5 tỷ đồng. Trung bình 4 năm qua doanh thu giảm hơn 9%, lợi nhuận sau thuế biến động mạnh, tuy nhiên năm 2015 có sự khởi sắc khi thu về hơn 7 tỷ đồng lãi ròng.

CTCP Xích líp Đông Anh

Xích líp Đông Anh giao dịch vào ngày 12/01/2017 với tổng số lượng 6 triệu cổ phiếu, giá tham chiếu 12.000 đồng/cổ phiếu. Mã chứng khoán được cấp là DFC.

CTCP Xích líp Đông Anh tiền thân là Xí nghiệp Xích líp Xe đạp được thành lập vào năm 1974. Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP với vốn điều lệ là 60 tỷ đồng. Tính đến 31/05/2016, hai cổ đông lớn là UBND Thành phố Hà Nội hiện nắm giữ 60% vốn điều lệ và Công ty TNHH Linh Trung ES với 10% sở hữu.

Lĩnh vực hoạt động chính của Công ty là chuyên kinh doanh phụ tùng ôtô, xe máy, xe đạp, nguyên nhiên vật liệu và các sản phẩm cơ khí khác; kinh doanh thiết bị máy móc phụ tùng, khuôn mẫu phục vụ cho sản xuất; kinh doanh các sản phẩm từ chất dẻo, nguyên liệu nhựa, phế liệu nhựa các loại và hóa chất, nguyên liệu, vật tư, phụ gia;…

Xích líp Đông Anh lên sàn với mã chứng khoán DFC

Tình hình hoạt động sản xuất hai năm gần đây ghi nhận các chỉ tiêu trong năm 2015 có sự tăng trưởng với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 21% và 5% so với năm 2014. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần đạt hơn 886 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và thực hiện 74% kế hoạch năm. Theo đó, lãi ròng tăng gần 9%, đạt hơn 26 tỷ đồng, hoàn thành 76% kế hoạch.

Tổng tài sản tính đến thời điểm 30/09/2016 giảm hơn 16% so với đầu năm, hơn 412 tỷ đồng. Trong đó, nợ hiện hơn 268 tỷ đồng, chiếm đến 65% tổng tài sản, với khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao nhất hơn 37%.

Về kế hoạch năm 2017, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 1,210 tỷ đồng và 34.5 tỷ đồng, lần lượt tăng nhẹ 0.4% và 0.5% so với kế hoạch năm 2016.

CTCP Đạt Phương

Một doanh nghiệp có vốn điều lệ khá khiêm tốn là CTCP Đạt Phương sẽ chào sàn UpCoM với mã chứng khoán DPG, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 31.000 đồng/cổ phiếu.

CTCP Đạt Phương là doanh nghiệp chuyên xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi…tiền thân là CTCP Xây dựng và Vận tải Đạt Phương được thành lập tháng 3/2002 với vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng cùng 6 cổ đông sáng lập. Tuy nhiên, đến tháng 6/2002, công ty điều chỉnh vốn điều lệ về 2,2 tỷ đồng theo đúng số vốn điều lệ thực góp của các cổ đông sáng lập.

Từ một thầu phụ, năm 2005, công ty chính thức nhận thầu thi công trực tiếp với chủ đầu tư, đồng thời đổi tên như hiện nay. Mức độ công trình nhận thầu lớn dần và hiện đang mở rộng đầu tư các dự án thủy điện như Sơn Trà 1 có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Lần gần đây nhất, năm 2011, công ty tăng vốn điều lệ lên 65,87 tỷ đồng bằng việc phát hành hơn 2 triệu cổ phiếu trả cổ tức.

Sàn chứng khoán đón thêm một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng

Tính đến 16/12/2016, Đạt Phương có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 34,87% vốn điều lệ công ty, trong đó cổ đông lớn nhất là ông Lương Minh Tuấn nắm giữ 13,67% vốn, tiếp đó là bà Lương Thị Thanh sở hữu 9,93% vốn điều lệ công ty.

Đạt Phương được biết tới là nhà thầu thi công các công trình lớn như cầu Bến Thủy II (Nghệ An), Cầu Cửa Đại (Quảng Nam), Cầu Thủ Thiêm, Cầu Đại Phước (Đồng Nai), Cầu vượt nút giao An Sương – An Lac…Ngoài ra còn đầu tư xây dựng các công trình thủy điện như Nhà máy thủy điện Sông Bung 6, Thủy điện Sơn Trà 1…

Tổng doanh thu năm 2015 của công ty gần 2.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là doanh thu từ hợp đồng xây dựng, chiếm tỷ trọng trên 94%, lợi nhuận gộp từ mảng này cũng đạt trên 233 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cả năm thu về gần 153 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ trên 139 tỷ đồng. EPS đạt 19.571 đồng.

Tính đến thời điểm cuối năm 2015, tổng cộng tài sản công ty Đạt Phương đạt trên 2.011 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu gần 500 tỷ đồng trong đó vốn góp chủ sở hữu 65,87 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm còn 247 tỷ đồng.

Cùng nhiều doanh nghiệp khác

Ngày 12/1, sàn UpCOM cũng sẽ đón thêm 13 triệu cổ phiếu AMP của CTCP Amephaco. Giá tham chiếu ngày lên sàn là 15.800 đồng/cổ phiếu. CTCP Chiếu sáng công cộng TP.HCM (CHS) cũng đưa 284 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu 13.900 đồng/cổ phiếu. Giấy Việt Trì (GVT) cũng đưa gần 7,35 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu 10.800 đồng/cổ phiếu. Gần 9,3 triệu cổ phiếu PNT của CTCP Kỹ thuật Xây dựng Phú Nhuận cũng giao dịch trên UpCOM từ 12/1 với giá tham chiếu 12.000 đồng/cổ phiếu.

CTCP Xây dựng và thiết kế số 1 (DCF) đưa hơn 1 triệu cổ phiếu lên giao dịch với giá tham chiếu 17.000 đồng/cổ phiếu. CTCP Cơ khí Chế tạo Hải Phòng (CKH) cũng sẽ đưa 4,88 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu 14.800 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, ngày 12/1, một doanh nghiệp sẽ niêm yết trên HNX vào ngày 12/1 là CTCP Chè Hiệp Khánh (HKT) với gần 5,58 triệu cổ phiếu niêm yết. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.500 đồng/cổ phiếu.

Tin mới lên