Ngân hàng

Lại một năm thách thức với tăng vốn ngân hàng

(VNF) - Năm 2017 các ngân hàng ồ ạt đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), đáp ứng chuẩn quốc tế Basel II. Áp lực tăng vốn tiếp tục sẽ tăng cao hơn trong năm 2018 khi Thông tư 41/2016/TT-NHNN chính thức có hiệu lực, thời điểm áp dụng chuẩn Basel II ngày càng tới gần.

Lại một năm thách thức với tăng vốn ngân hàng

Thêm một năm thách thức với tăng vốn ngân hàng.

Muôn nẻo tăng vốn của ngân hàng Việt

Áp lực tăng vốn với các ngân hàng thương mại Việt Nam đặt ra mạnh mẽ từ năm 2017 khi Thông tư 41/2016/TT-NHNN được ban hành với cách tính hệ số CAR mới chặt chẽ hơn theo chuẩn Basel II và sẽ chính thức được áp dụng từ năm 2020. Áp lực tăng vốn tự có sẽ còn kéo dài tới năm 2020 khi việc tăng vốn ngân hàng ngày càng khó khăn trước những thách thức mới.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng đang tăng dần qua các năm. Cụ thể, từ năm 2011 là gần 355.000 tỷ đồng, đến năm 2016 là xấp xỉ 489.000 tỷ đồng. Còn tính đến 30/11/2017, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt trên 500.000 tỷ đồng, tăng gần 2,8% so với cuối năm 2016. Trong đó, vốn điều lệ khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài tăng gần 5%; khối ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần cũng tăng gần 5%, đạt khoảng 211.000 tỷ đồng, chiếm 43% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống; khối NHTM nhà nước tăng khiêm tốn hơn, vào khoảng 0,8%, tương đương 149.000 tỷ đồng và chiếm hơn 28% tổng vốn.

Tuy nhiên, nhận định chung của nhiều chuyên gia cho rằng, yêu cầu tăng vốn đang là nhu cầu bức thiết nhất hiện nay của hệ thống ngân hàng Việt Nam để mở rộng kinh doanh, tăng cường hệ số an toàn vốn (CAR) dần tiệm cận với chuẩn mực thông lệ quốc tế.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: Trong bối cảnh Việt Nam đang phải cải tổ, lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng theo thông lệ của thế giới thì đến năm 2020 cần hoàn thành cơ bản chuẩn Basel II. So với hệ tiêu chí Basel II thì hệ số CAR của ngân hàng Việt Nam còn một khoảng cách khá xa nữa mới đáp ứng được.

"Nếu nhìn bề mặt hiện nay của ngân hàng của chúng ta là 11%, nhưng những năm qua do tín dụng tăng mạnh nên hệ số này của các NHTM nhà nước giảm mạnh. Nếu tính toán đúng theo chuẩn Basel II thì con số còn thấp hơn nữa. Vì vậy, bài toán tăng vốn đang thực sự đặt ra một cách bức thiết với hệ thống ngân hàng Việt Nam", TS. Võ Trí Thành lo ngại.

Theo ước lượng nhu cầu vốn của 3 NHTM nhà nước là Vietinbank, BIDV và Vietcombank giai đoạn 2018-2020 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thì các ngân hàng này phải tăng vốn tự có lên từ 1,8-2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel II. Như vậy, để có thể đáp ứng chuẩn Basel II theo quy định của NHNN chính thức có hiệu lực từ năm 2020 thì các ngân hàng cần một lộ trình cụ thể và tính toán phù hợp ngay từ thời điểm hiện tại.

Theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của các ngân hàng thương mại, có 19 ngân hàng đặt ra kế hoạch tăng vốn "khủng". Thực tế, từ nay tới năm 2020 các ngân hàng như Vietcombank, VPBank hay MBB đều buộc phải "ráo riết" tăng vốn vì nằm trong số 10 ngân hàng thí điểm chuẩn hoạt động mới Basel II. Ngoài ra trong Top 10 này còn có BIDV, Vietinbank, Techcombank, ACB, Sacombank, MaritimeBank và VIB.

Tăng vốn ngân hàng vẫn khó đủ bề

Nhận định về câu chuyện muôn nẻo tăng vốn của ngân hàng Việt, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng cho biết: Trong thời gian gần đây cổ phiếu ngân hàng tăng giá rất mạnh. Tuy nhiên, cũng chỉ một vài ngân hàng lớn và lành mạnh mới đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, còn lại đa số các ngân hàng Việt vẫn gặp khó khăn lớn khi đi tìm phương án tăng vốn.

Cụ thể, với 4 ông lớn ngân hàng là BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank hay một số ngân hàng có tình hình tài chính khả quan, mức tăng trưởng tốt, lợi nhuận khá như HDBank, TPBank, NCB… thì cổ đông dễ dàng đồng thuận với việc phát hành thêm cổ phiếu. Đặc biệt, với các ngân hàng trả cổ tức sòng phẳng, thì cổ đông sẵn sàng bỏ tiền đầu tư mua thêm cổ phần. Tuy nhiên, tình hình sẽ ngược lại với những ngân hàng hạng trung và nhỏ.

Cùng với đó, càng gần kề ngày Thông tư 41 của NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn ngân hàng có hiệu lực thì việc tăng vốn, đáp ứng chuẩn Basel II của ngân hàng sẽ càng trở nên bức thiết và khó khăn hơn. Với những quy định chặt chẽ hơn về dòng vốn, nguồn vốn, sẽ không còn hiện tượng "vốn ảo" mà đòi hỏi phải cần có tiền tươi thóc thật sẽ càng làm khó cho các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ, ông Hiếu nhấn mạnh.

Phương án tăng vốn của các ngân hàng hiện nay chủ yếu vẫn thông qua 3 kênh: Giữ lại lợi nhuận; phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; phát hành cổ phiếu cho cổ đông tiềm năng. Ngoài ra, sáp nhập cũng được coi là một trong những phương án để ngân hàng tăng vốn. Tuy nhiên, đây sẽ là phương án cuối cùng, chẳng đặng đừng chủ ngân hàng mới phải "bán mình cứu lấy ngân hàng" bằng phương án sáp nhập.

Lợi nhuận cao vẫn khó tăng vốn

Năm nay 4 ông lớn ngân hàng thương mại nhà nước đều báo lãi lớn, như Vietcombank báo lãi 11.018 tỷ đồng, tăng 32,9% so với năm 2016; BIDV báo lợi nhuận trước thuế đạt 8.800 tỷ đồng; hay Vietinbank cũng báo lợi nhuận trước thuế ước đạt 560 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2016. Đây có thể là điều kiện thuận lợi để các ông lớn này tăng vốn tự có đáp ứng yêu cầu về chuẩn Basel II. Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần để ngân hàng tăng vốn, còn điều kiện đủ phải là sự đồng thuận của đa số cổ đông của ngân hàng.

Câu chuyện cổ đông nhà nước "đòi chia cổ tức bằng tiền mặt" tại các NHTM nhà nước có thể sẽ tiếp tục lặp lại khi tình hình thu chi ngân sách ngày càng khó khăn, ngân sách tiếp tục thâm hụt như hiện nay. Đây có lẽ sẽ là thách thức lớn với các ngân hàng lớn dù lợi nhuận cao nhưng vẫn khó tăng vốn.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, đại diện Vietinbank, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank chỉ kiến nghị một vấn đề là cho ngân hàng tăng vốn và tin tằng đây là vấn đề rất cấp bách. Ông Thắng cho biết, việc tăng vốn của VietinBank nếu không được thực hiện thì ngay trong quý I/2018, chỉ số CAR của Ngân hàng sẽ ở dưới mức tối thiểu mà NHNN quy định, cũng như theo thông lệ quốc tế và ngân hàng rất khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng để phục vụ nền kinh tế.

Đồng quan điểm trên, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng, tăng vốn điều lệ là vấn đề lớn đối với các NHTM, đặc biệt là NHTM nhà nước. Theo ông Thành, trong thời gian tới, để kiểm soát tăng trưởng tín dụng cũng như phát triển kinh tế - xã hội thì rất cần có vốn, bởi hiện nay, CAR tối thiểu của các NHTM nhà nước nếu áp dụng theo quy định của NHNN đã ngấp nghé ngưỡng an toàn tối thiểu, còn nếu áp dụng theo Basel II chắc chắn sẽ vi phạm. Cho đến thời điểm hiện tại, phương án tăng vốn các ngân hàng đề xuất với NHNN vẫn ưu tiên là giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Cùng với đó là phương án dùng các nguồn quỹ dự trữ để tăng vốn; phát hành thêm cổ phiếu.

Tin mới lên