Tài chính

Lãi ròng của Hùng Vương chưa đến 10 tỷ đồng trong quý I niên độ 2017

(VNF) – Lợi nhuận của "vua cá tra" Hùng Vương tiếp tục kém khả quan khi lãi ròng quý I niên độ 2017 của tập đoàn này chỉ đạt vỏn vẹn 9,7 tỷ đồng. Trước đó, sau khi kiểm toán báo cáo tài chính niên độ 2016, doanh thu của Hùng Vương đã "bốc hơi" 2.000 tỷ, trong khi lợi nhuận chuyển từ lãi 309 tỷ sang lỗ 49 tỷ.

Lãi ròng của Hùng Vương chưa đến 10 tỷ đồng trong quý I niên độ 2017

Lợi nhuận của Thủy sản Hùng Vương tiếp tục kém khả quan trong niên độ 2017

Công ty Cổ phần Hùng Vương (Hùng Vương) vừa công bố báo cáo tài chính quý I niên độ 2017 từ ngày 01/10/2016 đến ngày 31/12/2016, theo đó, doanh thu thuần của Hùng Vương trong quý I đạt mức 5.787 tỷ đồng, tăng nhẹ 200 tỷ đồng so với cùng kỳ niên độ 2016.

Mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận gộp quý I niên độ 2017 của Hùng Vương chỉ đạt 306 tỷ đồng, thấp hơn con số 344 tỷ đồng cùng kỳ niên độ 2016, cho thấy hiệu suất kinh doanh của Hùng Vương đang có xu hướng giảm.

Trong khi đó, chi phí lãi vay của Hùng Vương tiếp tục tăng mạnh trong quý I niên độ 2017, đạt mức 132 tỷ đồng, tương đương mức tăng 39%. Đối ngược, chi phí bán hàng năm 2016 của tập đoàn này lại giảm 30%, đạt 104 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm xuống còn 43,6 tỷ đồng, tương đương mức giảm 35%.

Kết thúc quý I niên độ 2017, lãi sau thuế của cổ đông của công ty mẹ (lãi ròng) của Hùng Vương chỉ vỏn vẹn 9,7 tỷ đồng, bằng 1/4 con số 39,8 tỷ đồng cùng kỳ niên độ 2016.

Thủy sản Hùng Vương

Lợi nhuận niên độ 2017 của "vua cá tra" Hùng Vương tiếp tục kém khả quan, trong khi hệ số nợ vẫn duy trì ở mức rất cao

Tính đến hết ngày 31/12/2016, tổng tài sản của Hùng Vương đạt mức 16.401 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn (7.233 tỷ đồng) và hàng tồn kho (3.955 tỷ đồng).

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Hùng Vương hiện ở mức 2.604 tỷ đồng. Nợ phải trả của Hùng Vương đạt 13.174 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay (cả ngắn hạn và dài hạn) là 8.335 tỷ đồng.

Như vậy, hệ số nợ của Hùng Vương tiếp tục duy trì ở mức rất cao, với hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên đến 5,06 lần, trong khi hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 3,2 lần.

Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán niên độ 2016 của Hùng Vương lộ diện sau một thời gian trễ hẹn và bị nhắc nhở, đã cho thấy "hiện tượng lạ" khi lợi nhuận cả niên độ 2016 của Hùng Vương đã chuyển từ lãi 309 tỷ đồng sang lỗ ròng 49 tỷ đồng, doanh thu sau kiểm toán cũng "bốc hơi" 2.000 tỷ đồng.

Ngay sau đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) đã ra thông báo đưa cổ phiếu HVG của Hùng Vương vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/2/2017.

Tin mới lên