Ngân hàng

Lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng mới nhất: Sẽ tăng mạnh đến cuối năm

(VNF) - Sau chuỗi giảm liên tiếp trong 6 tháng đầu năm 2018, từ cuối tháng đến nay, lãi suất huy động đã tăng mạnh trở lại, nhất là ở kỳ hạn dài. Các chuyên gia dự báo cuộc đua lãi suất sẽ trở nên gay cấn hơn từ nay đến cuối năm.

Lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng mới nhất: Sẽ tăng mạnh đến cuối năm

Nửa cuối năm là dịp các NHTM "khát" thanh khoản

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tuần đầu tháng 8, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng phổ biến ở mức 4,3-5,5%/năm; với kỳ hạn 6-12 tháng dao động quanh mức 5,3 - 6,5% và 6,5-7,3% với các khoản tiền gửi trên 12 tháng.

Tuy nhiên, từ ngày 10/8 lại đây, các ngân hàng các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng nhỏ đang trong cuộc đua lãi suất.

Hầu hết ngân hàng hiện nay đều đưa ra mức lãi suất rất cao cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng. Điều này cũng cho thấy nhu cầu vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu tập trung ở các khoản tiền gửi dài hạn, nhằm bù đắp tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của hệ thống đang ở mức tương đối cao.

Ngân hàng Bản Việt - “quán quân” trong cuộc đua lãi suất

Trong số các ngân hàng tăng lãi suất đợt này, Ngân hàng Bản Việt đã tăng lãi suất niêm yết mạnh nhất, với các khoản tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng từ 7,2% lên tới 8,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiết kiệm dài hạn cao nhất trên thị trường hiện nay.

Trong đợt điều chỉnh này, Ngân hàng Bản Việt điều chỉnh lãi suất tại nhiều kỳ hạn khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung từ kỳ hạn 8 tháng trở lên, với mức tăng 0,6-1,4%.

Hiện lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 8-11 tháng tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 7,8%/năm, trước đó là 7,2-7,4%/năm. Nhà băng này cũng là một trong những ngân hàng thường xuyên đưa ra mức lãi suất huy động đầu vào cao hơn so với mức bình quân của hệ thống.

Ở kỳ hạn dài, NamABank cũng đang đưa ra mức lãi suất huy động lên tới 8,3%/năm với các khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, để hưởng lãi suất này, khách hàng phải đáp ứng yêu cầu gửi với lượng tiền trên 500 tỷ đồng. Nếu dưới 500 tỷ, mức lãi áp dụng sẽ là lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 7,2%/năm.

SeABank cũng đang đưa ra mức lãi suất lên tới 8,2% với các khoản tiền gửi kỳ hạn 14 tháng.

Nhóm Baovietbank, Eximbank, hay PVcombank hiện cũng có mức lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn dài xấp xỉ 8%/năm, cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất huy động hồi đầu năm.

MBBank cũng vừa điều chỉnh lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn 24 tháng là 7,5%/năm.

VPBank cũng tăng lãi suất huy động cho các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng thêm 0,2 điểm phần trăm lên mức 7,2-7,4%/năm. Còn Eximbank áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng cao nhất hiện nay là 8%/năm.

Tại VietA Bank, mức lãi suất cao nhất 8,5%/năm được áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.

Lãi suất tiết kiệm ngắn hạn, ngân hàng nào cao nhất?

Với tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng, những ngân hàng cỡ vừa và nhỏ đang là lựa chọn hợp lý, khi có mặt bằng lãi suất huy động lên tới 5,5%/năm, như ABBank, ACB, Bacabank, HDBank, Maritimebank hay NCB… Nhóm ngân hàng lớn Vietcombank, Vietinbank và BIDV lại chỉ huy động lãi suất tiền gửi kỳ hạn này ở mức dưới 4,6%/năm.

Ngân hàng SHB mới đây đã đưa ra biểu lãi suất áp dụng từ ngày 6/8, trong đó nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng thêm 0,2%. Hiện dải lãi suất với các mức kỳ hạn này dao động trong khoảng 6,8-6,9%/năm, cũng là mức cao nhất từ đầu năm của ngân hàng này. Nếu gửi trên 2 tỷ đồng tại SHB, lãi suất áp dụng sẽ được cộng thêm 0,1% mỗi năm.

Techcombank cũng tăng thêm 0,1% mỗi năm đối với khoản tiền dưới 1 tỷ đồng kỳ hạn 1 tháng. Hiện dải lãi suất tiết kiệm của nhà băng này dao động trong khoảng 4,6-6,8%/năm theo từng kỳ hạn.

VPBank cũng tăng lãi suất tiền gửi từ 6-11 tháng thêm 0,2%, lên 6,7%/năm.

Đối với kỳ hạn 6-12 tháng, TPBank đang là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất, lên tới 8%/năm ở kỳ hạn 12 tháng. Xếp sau là VIB với mức lãi suất 7,9%/năm, nhưng ở kỳ hạn 6 tháng mức lãi suất lại chỉ là 6,3%. Vì vậy, nếu xác định gửi tiền tiết kiệm tại VIB, kỳ hạn 12 tháng sẽ là lựa chọn mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho người gửi tiền.

Là ngân hàng nhỏ, NCB hiện cũng niêm yết mức lãi suất tiền gửi 6-12 tháng lên tới 7,2-7,8%/năm, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Một số ngân hàng cũng niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn này trên 7% mỗi năm là BacABank, Baovietbank, SCB… đều quanh ngưỡng 7,6-7,8%/năm.

Vì sao lãi suất tiết kiệm tăng cao?

Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng Cấn Văn Lực, có 2 lý do chính khiến một số ngân hàng đã và đang đẩy nhanh nguồn huy động vốn trung hạn.

Thứ nhất là  trong 7 tháng qua, tín dụng đã tăng trưởng nhanh hơn so với huy động vốn, khoảng 8%, trong đó huy động vốn tăng khoảng 6%. Điều này cho thấy, các ngân hàng đang cần đẩy mạnh huy động vốn để có thể theo kịp tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Lý do thứ 2, các ngân hàng cần chuẩn bị cho nguồn vốn vào các tháng cuối năm, bởi đây là thời điểm nhu cầu tín dụng, nhu cầu sử dụng vốn tăng cao. Một lý do nữa là để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 06, từ ngày 1/1/2019, các ngân hàng được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, vì vậy cần phải chuẩn bị trước nguồn vốn trung và dài hạn nhiều hơn.

Việc đẩy mạnh huy động vốn còn để đảm bảo thanh khoản khi mùa căng thẳng thanh khoản đã đến gần. Thực tế, tính đến cuối tháng 7/2018, mặc dù thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng vẫn khá đảm bảo nhưng ở khu vực TP.HCM, tình trạng cho vay nhiều hơn huy động đã bắt đầu nhen nhóm cục bộ một số ngân hàng. Biểu hiện rõ nhất tỷ lệ cho vay trên vốn huy động của các TCTD trên địa bàn TP.HCM đến cuối tháng 7/2018 đã tăng lên mức 89% trong khi tỷ lệ này đầu năm nay của các TCTD ở TP.HCM ở mức dưới 80%.

Khi hệ số sử dụng vốn cho vay trên vốn huy động tăng cao sát mức 90%, các NHTM đứng trước rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn khi mà hiện nguồn vốn tại các ngân hàng đa phần là ngắn hạn, song kỳ hạn tín dụng lại lớn hơn khá nhiều. Chính vì vậy việc hàng loạt NHTM nâng mức lãi suất huy động các kỳ hạn trung dài hạn là biểu hiện phù hợp.

Ngoài ra,  các ngân hàng đẩy mạnh huy động nguồn vốn dài hạn chính là để đáp ứng quy định về tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ được giảm về còn 40% từ 1/1/2019 thay vì mức 45% như hiện nay.

Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang khá ổn định và nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định trong những tháng cuối năm do cơ quan quản lý đang có chủ trương siết chặt tốc độ và chất lượng tín dụng.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu lại phân tích việc tăng lãi suất dưới góc nhìn tỷ giá, thị trường liên ngân hàng và những tác động của tình hình thế giới.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, do tác động bởi thị trường liên ngân hàng trên thị trường 2, Bộ Tài chính đã rút tiền về kho bạc nhà nước từ các ngân hàng thương mại. Lượng tiền rút từ các ngân hàng thương mại, nhất là những ngân hàng có vốn nhà nước trở về ngân hàng trung ương cũng tạo ra sự khan hiếm ở trong thị trường liên ngân hàng và từ đó đẩy lãi suất lên.

“Nếu lãi suất tiếp tục tăng cao thì các doanh nghiệp bất động sản, BT, BOT sẽ lao đao. Đặc biệt, chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ ảnh hưởng lớn tới vốn vay, kéo theo đó là những khó khăn cho việc thanh khoản trên thị trường bất động sản”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông Hiếu, việc các ngân hàng vừa và nhỏ tăng lãi suất huy động không khiến khách hàng chạy từ ngân hàng lớn sang các ngân hàng nhỏ để gửi tiền. Hiện, mức tăng lãi suất trần còn rất nhẹ, vì vậy sự dịch chuyển cơ cấu khách hàng từ ngân hàng lớn sang nhỏ không mang tính ồ ạt.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu dự đoán, trong thời gian sắp tới, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng với áp lực thị trường hối đoái, hơn nữa, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sẽ tiếp tục tác động lên thị trường tài chính, từ đó ảnh hưởng lên tỷ giá tiền đồng. Ngoài ra, nếu đồng nhân dân tệ tăng tỷ giá so với đồng đô la thì dẫn đến áp lực lên tỷ giá tiền đồng với USD.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cũng có cùng nhận định với chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu.

Ông Lực cho biết , lãi suất trên thế giới đang tăng mạnh. Ngân hàng Trung ương các nước, ngân hàng Mỹ cũng đang tăng lãi suất. Cùng với đó, áp lực lạm phát năm nay vẫn còn khá lớn, nhu cầu huy động vốn tương đối cao; việc xử lý nợ xấu hiện nay đã diễn biến tốt hơn nhưng cũng cần có thời gian để xử lý tiếp...

Để đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng, các nhà băng vẫn tranh thủ đẩy mạnh hoạt động tín dụng, nhất là khi thị trường bất động sản ấm dần lên. Vì thế, việc cạnh tranh huy động, trong đó có cộng thêm biên độ lãi suất tiền gửi là khó tránh… Những yếu tố này cũng là rào cản cho việc giảm lãi suất từ nay đến cuối năm.

Tăng lãi suất huy động có tạo áp lực lên lãi vay?

Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng lên, nhiều người lo ngại, lãi suất cho vay cũng sẽ chuyển động cùng hướng. Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho hay, hiện chưa có áp lực tăng lãi suất cho vay, bởi thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang khá tốt. Nhưng muốn giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Bởi với quyết tâm của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục ổn định.

Ông Cấn Văn Lực khuyến cáo: “Để đảm bảo tăng trưởng sản xuất ổn định, cả ngân hàng và doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn vốn. Đặc biệt với doanh nghiệp, về lâu dài cần đa dạng hóa nguồn vốn của mình để giảm bớt lệ thuộc vốn vào ngân hàng, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn”.

nhìn về tổng thể, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang khá ổn định và nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định trong những tháng cuối năm do cơ quan quản lý đang có chủ trương siết chặt tốc độ và chất lượng tín dụng.

Thực tế từ đầu năm 2018, thị trường vốn chứng kiến nhiều biến động bất thường của tỷ giá từ thị trường quốc tế và diễn biến lạm phát. Trong lúc đó, để đảm bảo chỉ tiêu lạm phát 4% trong cả năm 2018 và không dồn áp lực quá lớn sang năm 2019, NHNN đã kiên định mục tiêu kiểm soát chặt tín dụng. Đến thời điểm hiện nay, rõ ràng mục tiêu này định hình khá rõ ràng và được toàn hệ thống đồng thuận thực hiện. Với hạn mức tín dụng không còn nhiều ở một số NHTM, các tháng cuối năm 2018 những NHTM nếu muốn mở rộng cho vay sẽ phải tăng cường hiệu quả xử lý nợ xấu, đồng thời đẩy mạnh huy động vốn và phát hành trái phiếu cấp 2.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục nắn dòng tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, trong khi kiểm soát chặt tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán, cho vay tiêu dùng. Do lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với những lĩnh vực ưu tiên, thường thấp hơn khá nhiều lãi suất cho vay tiêu dùng nên việc “nắn” dòng tín dụng này cũng mang hàm ý của nhà điều hành muốn duy trì ổn định mặt bằng lãi suất trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tiếp tục cơ cấu lại để nâng cao chất lượng tín dụng nhằm ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh.

 

Tin mới lên