Tài chính quốc tế

Lần đầu tiên kể từ khủng hoảng 2008, 100 công ty lớn nhất mất 668 tỷ USD

(VNF) - Lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, tổng giá trị vốn hóa thị trường của 100 doanh nghiệp lớn nhất đã giảm mạnh (giảm 668 tỷ USD tương đương 4%).

Lần đầu tiên kể từ khủng hoảng 2008, 100 công ty lớn nhất mất 668 tỷ USD

Apple giữ vững vị trí đầu bảng trong năm thứ 5 liên tiếp trong Top 100 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Theo cập nhật báo cáo nghiên cứu của PwC  về "Top 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu" mới được công bố, lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, tổng giá trị vốn hóa thị trường của 100 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu đã sụt giảm đáng kể, từ 16.245 tỷ USD ngày 31/3/2015 xuống còn 15.577 tỷ USD, tương đương giảm 4%.

Theo PwC, hai nguyên nhân chính của sự giảm sút này là các doanh nghiệp Trung Quốc bị tác động mạnh mẽ bởi sự bất ổn định của thị trường nước này trong năm qua và nền kinh tế châu Âu đang chật vật để lấy lại đà tăng trưởng.

Trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu được công bố, nước Mỹ đã tiếp tục ở vị trí dẫn đầu với 54 doanh nghiệp, tăng 1 doanh nghiệp so với năm trước. 

Theo báo cáo của PwC, sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, nước này vẫn tiếp tục là nền kinh tế đứng thứ 3, với 7 đại diện trong bảng xếp hạng 100 doanh nghiệp giá trị nhất toàn cầu và tổng giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp của Anh trong Top 100 chỉ giảm nhẹ.

Kết quả khảo sát nghiên cứu của PwC cho thấy, sau ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính, các doanh nghiệp châu Âu đã hồi phục chậm chạp hơn Mỹ. Châu Âu chỉ có 24 đại diện trong Top 100 (giảm 7 đại diện so với năm 2009 và giảm 17 đại diện so với năm 2008). Tỷ trọng giá trị vốn hóa thị trường của các công ty châu Âu trong Top 100 giảm từ 21% xuống còn 19% (tương đương 428 tỷ USD).

Trong khi đó tỷ trọng của các doanh nghiệp Mỹ trong tổng giá trị vốn hóa thị trường tăng từ 57% lên 62% (tương đương 314 tỷ USD). 

Mặc dù số đại diện vẫn giữ nguyên là 11 công ty, tổng giá trị vốn hóa thị trường của Trung Quốc/Hồng Kông giảm 20% so với năm ngoái. Nguyên nhân là do giá trị thị trường của các doanh nghiệp trên bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự suy yếu của thị trường Trung Quốc.

Toàn bộ Top 10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới hiện nay đều mang quốc tịch Mỹ. Trong đó, Apple giữ vững vị trí đầu bảng trong năm thứ 5 liên tiếp. Tuy nhiên, giá trị vốn hóa của Apple đã giảm 121 tỷ USD (tương đương 17%), khiến cho khoảng cách với doanh nghiệp đứng thứ hai là Alphabet (Google) giảm từ 350 tỷ USD năm ngoái xuống còn 86 tỷ USD. Alphabet thậm chí còn tạm thời soán ngôi của Apple trong tháng 2 năm 2016.

Tính theo lĩnh vực, công nghệ đã vượt qua tài chính nhờ vào khả năng phục hồi tốt và sự sáng tạo của các công ty công nghệ. Ba doanh nghiệp đứng đầu danh sách năm nay là Apple, Alphabet và Microsoft đều hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, tiếp sau đó là Facebook ở vị trí thứ 6. 

Ông Clifford Tompsett, lãnh đạo Trung tâm IPO của PwC cho biết: "Mỹ đã mở rộng vị trí dẫn đầu bằng cách tận dụng quy mô toàn cầu, sức mạnh tài chính và khả năng đổi mới sáng tạo của mình. Nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp lớn thường có khả năng phục hồi tốt hơn, ngoại trừ một số công ty thuộc lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Mặc dù tình hình thị trường và triển vọng tăng trưởng có nhiều biến động, 91 doanh nghiệp trong danh sách năm 2015 vẫn trụ lại trong Top 100 tính đến ngày 31/3/2016, ổn định hơn so với những năm trước".

Tin mới lên