Tài chính

Lãnh đạo HoSE: Khác biệt T+3 ở Việt Nam và nước ngoài là rủi ro thanh toán

(VNF) – Cùng là giao dịch T+3 nhưng giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và nước ngoài có sự khác biệt rất lớn về việc quản lý rủi ro thanh toán.

Lãnh đạo HoSE: Khác biệt T+3 ở Việt Nam và nước ngoài là rủi ro thanh toán

Ông Lê Hải Trà, phụ trách HĐQT HoSE.

Ông Lê Hải Trà, phụ trách HĐQT Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) mới đây đã có những chia sẻ về quy định giao dịch T+3 trên trang cá nhân.

“T+3 không phải là vấn đề của giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mà là vấn đề quản lý rủi ro thanh toán”, ông Trà cho hay.

Tại các thị trường cổ phiếu lớn khác trên thế giới như Nhật, Hongkong, Úc, Singapore... chu kỳ thanh toán vẫn là T+3 (thời điểm chuyển tiền-giao hàng tính từ lúc lệnh giao dịch được khớp).

Theo ông Trà, khác biệt là ở chỗ, lệnh mua khớp xong có thể bán ngay, vì bản chất là khi đặt lệnh đã có ký quỹ đảm bảo thanh toán cùng với số cổ phiếu vừa mua.

Thứ hai, khi đặt lệnh không cần có đủ ngay 100% số dư tiền, mà chỉ cần có trước ngày thanh toán, ví dụ T+2.

Thứ ba, các loại chứng khoán khác nhà đầu tư có trong tài khoản có thể được quy đổi theo mức độ rủi ro (hair-cut) để tính ký quỹ bảo đảm khi đặt lệnh mua, không nhất thiết phải là tiền đủ 100%;

Thứ tư, có margin thì cũng có short (một dạng lệnh bán khống) để cân bằng thị trường.

Trước đó, vị lãnh đạo HoSE này đã đưa một nhận định đáng chú ý về giao dịch chứng khoán phái sinh.

“Thị trường chứng khoán phái sinh giúp gì cho thị trường chứng khoán? Phái sinh và cơ sở là 2 bình thông nhau. Cơ sở vững chắc là tiền đề ra đời phái sinh. Phái sinh có thể tác động trở lại cơ sở và chính bản thân nhà đầu tư, một cách tích cực hay tiêu cực, theo cách nhà đầu tư sử dụng phái sinh như công cụ bảo vệ kết quả đầu tư cơ sở hay đầu cơ thái quá. Nói cách khác, phái sinh có thể là con dao 2 lưỡi”, ông Trà nêu quan điểm.

Tin mới lên