Thị trường

Lập hiệp hội, hạt mắc ca sẽ 'nóng' trở lại?

(VNF) - Ngân hàng LienVietPostBank, Công ty cổ phần Him Lam và các đối tác sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động trong năm 2016 nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Tây Nguyên thành thủ phủ mắc ca.

Lập hiệp hội, hạt mắc ca sẽ 'nóng' trở lại?

Hiệp hội mắc ca Việt Nam vừa chính thức được thành lập theo Quyết định số 124/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ. Theo quyết định này, Hiệp hội là tổ chức xã hội – nghề nghiệp được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Hiệp hội do Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực của hiệp hội.

Trong thời gian qua, bên cạnh việc xúc tiến thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Ngân hàng LienVietPostBank và Công ty cổ phần Him Lam đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả trong khuôn khổ chương trình phát triển cây mắc ca trở thành cây trồng lâm-nông-công nghiệp chiến lược mới tại Việt Nam.

Gần đây nhất, tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 và định hướng năm 2016 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức ngày 6/1/2016 tại Kon Tum, LienVietPostBank đã báo cáo tình hình phát triển mắc ca Việt Nam và đưa ra 4 nhóm đề xuất chính để tiếp tục phát triển cây mắc ca trong thời gian tới.

Thứ nhất, đề nghị Thủ tướng Chính phủ thay đổi quy định về hỗ trợ trồng cây mắc ca. Mức hỗ trợ nên quy định thống nhất là cứ trồng 1 ha mắc ca thì được Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng để xây dựng vườn trồng, sẽ có ý nghĩa xã hội rất lớn (hỗ trợ cho người nghèo), vì phần lớn đất riêng của hộ dân trồng mắc ca có diện tích dưới 50 ha (quy định hiện hành chỉ hỗ trợ 15 triệu đồng cho các hộ trồng từ 50 ha trở lên).

Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ nên ban hành định hướng, còn xác định cụ thể quy hoạch từng địa phương thì do địa phương chịu trách nhiệm và cần đẩy nhanh xây dựng chương trình quốc gia về mắc ca, đưa cây mắc ca chính thức là cây chiến lược của cây trồng Việt Nam.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước ban hành chủ trương ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng cho việc phát triển cây mắc ca, bao gồm các chính sách ưu đãi về lãi suất và kỳ hạn vay tái cấp vốn.

Thứ tư, chính quyền các tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp cần đưa mắc ca vào đề án tái cơ cấu kinh tế địa phương và xây dựng bản quy hoạch phát triển mắc ca tại địa phương trên cơ sở rà soát lại quỹ đất, đặc biệt là đất đang trồng cây cà phê già cỗi, năng suất thấp, đất trồng các cây hiệu quả thấp để chuyển đổi sang trồng mắc ca.

Hiện LienVietPostBank và Công ty cổ phần Him Lam đều đã trở thành Thành viên của Hiệp hội Mắc ca Úc (AMS). Công ty cổ phần Him Lam cũng đã triển khai xây dựng 2 vườn ươm giống quy mô lớn tại Lâm Đồng.

Tuy chưa có vùng nguyên liệu nhưng ở Việt Nam đã hình thành 3 nhà máy chế biến măc ca, trong đó Công ty cổ phần Him Lam đang có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy ở Bình Dương và Bảo Lộc – Lâm Đồng, Công ty TNHH My Anh – Khe Sanh (doanh nghiệp của nước ngoài (Úc) đầu tư vào Việt Nam) đã xây xong nhà máy ở Khe Sanh – Quảng Trị.

Câu chuyện đầu tư mắc ca đã được làm nóng trong khoảng thời gian đầu năm 2015, nhưng sau đó tạm lắng xuống. Hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau liên quan đến chiến lược phát triển loại cây này. Phía ủng hộ cho rằng mắc ca sẽ là loại cây công nghiệp chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới trong khi phía phản biện cho rằng cần tính toán, đánh giá thực chất hiệu quả của loại cây này, không nên "ảo tưởng" vào hiệu quả kinh tế của nó khi chưa được chứng minh đầy đủ trên thực địa Việt Nam.

Tin mới lên