Tài chính quốc tế

Liên Triều tiếp tục đàm phán, Mỹ điều thêm máy bay tàng hình B-2

(VNF) - Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp tục đàm phán cấp chuyên viên để bàn sâu hơn về việc Bình Nhưỡng tham gia Olympic Mùa đông PyeongChang. Trong khi đó, Mỹ đang tăng cường sự hiện diện quân sự quanh bán đảo Triều Tiên.

Liên Triều tiếp tục đàm phán, Mỹ điều thêm máy bay tàng hình B-2

Dàn nhạc Samjiyon của Triều Tiên sẽ biểu diễn tại Hàn Quốc trong khuôn khổ Olympic mùa Đông PyeogChang.

Dàn nhạc của Triều Tiên sẽ biểu diễn tại Hàn Quốc

Ngày 15/1, Hàn Quốc và Triều Tiên đã có buổi đàm phán cấp chuyên viên tại tòa nhà Thống nhất tại làng đình chiếm Bàn Môn Điếm (Panmunjom).

Theo tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm, Triều Tiên sẽ cử dàn nhạc Samjiyon gồm 140 thành viên tới Hàn Quốc trong thời gian diễn ra thế vận hội và sẽ biểu diễn tại Seoul và Gangneung, Yonhap dẫn thông tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc. Cũng theo tuyên bố này, "Triều Tiên sẽ cử một nhóm thị sát đến trước".

Một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết phía Triều Tiên đã yêu cầu sử dụng một tuyến đường bộ xuyên biên giới tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm để đoàn nghệ sĩ di chuyển. Phía Hàn Quốc chấp thuận yêu cầu này và tuyên bố sẽ đảm bảo sự an toàn, thuận tiện cho phái đoàn Triều Tiên.

Cuộc đàm phán cấp chuyên viên Triều Tiên và Hàn Quốc tại tòa nhà Thống nhất tại làng đình chiếm Bàn Môn Điếm ngày 15/1.

Đây sẽ là lần đầu tiên một đoàn nghệ thuật Triều Tiên biểu diễn tại Seoul từ năm 2002. Triều Tiên khi đó cử đoàn gồm 30 ca sĩ và vũ công tới Seoul dự một sự kiện chung.

Cũng trong ngày 15/1, Bình Nhưỡng đề xuất tổ chức cuộc đàm phán tiếp theo với Seoul vào ngày 17/1 để thảo luận về việc phái đoàn Triều Tiên đến Hàn Quốc dự Thế vận hội Mùa đông Olympic PyeogChang.

Theo Bộ Thống nhất Seoul, Bình Nhưỡng đề nghị cuộc hội đàm được tổ chức tại khu vực phía Nam biên giới thuộc làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Phía Triều Tiên sẽ cử phái đoàn 3 thành viên do ông Jon Jong-su - Phó Chủ tịch cơ quan phụ trách các vấn đề liên Triều dẫn đầu.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, dưới áp lực của những biện pháp trừng phạt quốc tế, việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông lần này sẽ là cơ hội tốt để Triều Tiên cải thiện hình ảnh của mình sau hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân hồi năm ngoái.

Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự quanh bán đảo Triều Tiên

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa Olympic Mùa đông Pyeongchang được chính thức khai mạc tại Hàn Quốc. Mỹ dường như đang gấp rút tăng cường sự hiện diện quân sự quanh bán đảo Triều Tiên trước thềm sự kiện này.

Theo đó, Mỹ sẽ triển khai các máy bay ném bom tàng hình B-2 "Spirit" tới Hàn Quốc, bổ sung thêm ít nhất một tàu sân bay và một tàu đổ bộ tới khu vực Đông Á, AP ngày 15/1 đưa tin.

Hồi tuần trước, không quân Mỹ triển khai ba oanh tạc cơ tàng hình và 200 binh sĩ tới đảo Guam trên Thái Bình Dương. Washington tuyên bố hành động này sẽ "bổ sung các lựa chọn răn đe để duy trì ổn định khu vực".

Mỹ sẽ triển khai các máy bay ném bom tàng hình B-2 "Spirit" tới Hàn Quốc.

Sự xuất hiện của phi đội B-2 và các tàu sân bay được cho là thông điệp khẳng định Mỹ không nhún nhường trong vấn đề Triều Tiên, cũng như bảo đảm Bình Nhưỡng không có hành động khiêu khích nào trong thời gian diễn ra Olympic Mùa đông 2018.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã có kế hoạch chính thức điều động thêm lực lượng đặc nhiệm đến bán đảo Triều Tiên trong tháng Hai tới. Đây là bước đi đầu tiên mà giới chức quốc phòng cho là có thể tiến tới thành lập mô hình tương tự như những cuộc chiến ở Iraq và Syria, khác biệt là lần này nó diễn ra tại Hàn Quốc.

Tất cả những động thái trên là điều bình thường trong các kế hoạch huấn luyện và luân chuyển binh sĩ của Bộ Quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên, quy mô và thời điểm của các cuộc tập trận cho thấy trọng tâm của chiến dịch hướng đến sự chuẩn bị cho một cuộc chiến với Triều Tiên.

Washington lên tiếng ủng hộ đối thoại, nhưng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn ở mức cao, đặc biệt sau hoạt động bổ sung lực lượng của Mỹ.

Trung Quốc tẩy chay Hội nghị quốc tế về Triều Tiên tại Vancouver

Các quan chức cấp cao đến từ 20 nước, trong đó có 11 ngoại trưởng, sẽ tham dự Hội nghị quốc tế về Triều Tiên tại Vancouver trong ngày hôm nay (16-1) tại Vancouver, Canada. Trung Quốc, một quốc gia thân cận với Triều Tiên, đã từ chối tham gia hội nghị này.

Hội nghị, do Canada và Mỹ đồng tổ chức, nhắm tới các biện phapr gây áp lực ngoại giao, kinh tế, buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí của họ, một nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters.

"Nhật Bản muốn cả thế giới gây sức ép tối đa thông qua thực thi nghiêm túc các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, buộc Triều Tiên phải thay đổi chính sách gây hấn của họ", nguồn tin của Reuters cho biết.

Người dân Canada đã biểu tình phản đối Hội nghị quốc tế về Triều Tiên tại Vancouver.

Tuy nhiên, theo ông Scott Snyder, giám đốc chương trình nghiên cứu chính sách Mỹ - Triều Tiên, cảnh báo không nên lạm dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Bình Nhưỡng.

"Nếu các biện pháp trừng phạt quá khắc nghiệt, Triều Tiên sẽ xem đó là hành động khiêu chiến. Nếu chúng thực sự hiệu quả, có thể giúp nảy ra các giải pháp ngoại giao, nên sử dụng chúng như chất xúc tác hơn là cái búa trừng phạt", ông Snyder nói.

Nhiều người dân Canada đã biểu tình phản đối hội nghị này, cho rằng đây không phải là hành động vì hòa bình. Đồng thời họ biểu tình chống lại các can thiệp quân sự ở Triều Tiên và các quốc gia có chủ quyền khác.

>> Triều Tiên nổi giận vì Hàn Quốc nhắc đến Tổng thống Trump

Tin mới lên