Tài chính quốc tế

Liệu 'bóng ma' Brexit có bao phủ kinh tế Việt Nam?

(VNF) - Kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng nặng nhất trong các nền kinh tế mới nổi khu vực châu Á từ sự suy giảm kinh tế của EU dự báo sẽ xảy ra khi thị trường chứng khoán lao dốc sau sự kiện người Anh bỏ phiếu chọn ra khỏi EU.

Liệu 'bóng ma' Brexit có bao phủ kinh tế Việt Nam?

Ngày 24/6, Công ty tư vấn  Natixis, trụ sở tại Hồng Kông đã công bố báo cáo có tên "Tác động của Brexit tới các thị trường mới nổi ở châu Á: Không phải Anh, EU mới là vấn đề" của tác giả Trinh D. Nguyen, chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi châu Á. Báo cáo đã đưa ra những nhận định ban đầu về sự kiện đang 'gây sóng' trên thị trường tài chính toàn cầu cũng như thị trường châu Á.

Brexit hiện đang là một trong những tâm điểm chú ý của thị trường tài chính toàn cầu. Những biến động của giá vàng, ngoại tệ, chứng khoán đều đề cập đến tác động của Brexit. 52% cử tri Anh đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử 23/6/2016.

Sự kiện này được giới tài chính coi như sự kiện "thiên nga đen" (black swan) - một thuật ngữ để chỉ những biến cố bất ngờ, gây chấn động và đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hiện Anh là nền kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ với những cường quốc kinh tế khác và được xem là một trung tâm tài chính của thế giới. Do vậy, sự hỗn loạn tại quốc gia này ít nhiều sẽ có những tác động lên kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính, ít nhất là trong ngắn hạn.

Theo tác giả Trinh D. Nguyen, cùng với triển vọng tăng trưởng toàn cầu yếu đi, các nền kinh tế mới nổi khu vực châu Á cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực trong những thời gian tới. Trong đó, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước dự kiến bị tổn thương nhiều nhất từ dự báo giảm tăng trưởng của Anh và EU.

Tăng trưởng kinh tế, đầu tư và sức cầu của nước Anh chắc chắn sẽ bị suy yếu, nhất là khi đồng bảng Anh đang sụt mạnh sẽ gián tiếp tác động đến các thị trường xuất khẩu vào Anh. 

"Trong số các quốc gia xuất khẩu vào Anh ở châu Á, Việt Nam có thể bị tổn thương nhiều nhất, mặc dù hầu hết các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường này là hàng thiết yếu, tính chất ổn định, vốn ít bị suy giảm. Ấn Độ sẽ là nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều thứ hai sau Việt Nam", chuyên gia Trinh D. Nguyen nhận định.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt tăng trưởng gần 17% trong giai đoạn 2008 - 2015, đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU.

Tính riêng 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã duy trì thặng dư thương mại với Anh ở mức 1,7 tỷ USD, giữ tỷ lệ ổn định so với con số 3,9 tỷ USD trong cả năm 2015. Trong đó, gần 47% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh là điện thoại, máy tính, các linh kiện và thiết bị điện tử khác.

 

Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ Anh và Trung Quốc bị tác động nhiều nhất từ EU về tỷ trọng kim ngạch thương mại. 

Tác giả báo cáo đã đưa ra dự báo GDP thấp hơn cho cả Anh và EU. Theo đó, tăng trưởng GDP của Anh sẽ giảm xuống còn 0,5% vào năm 2017 từ 1,6% vào năm 2016 (so với mức 2,1% là tỷ lệ dự đoán nếu Anh ở lại EU). 

Còn với EU, GDP sẽ chậm lại ở mức 1,4% (dự báo trước đó là 1,6% trong năm 2016) và giảm xuống còn 1,2% trong 2017 (so với mức kỳ vọng 1,4% trước đó).

Ngoài những tác động trực tiếp từ nền kinh tế Anh, theo chuyên gia Trinh D. Nguyen, các nền kinh tế mới nổi châu Á nên xem xét các tác động gián tiếp của của sự kiện Anh rời EU đến nhu cầu suy giảm của toàn bộ khối Liên minh châu ÂU. "Các yếu tố từ EU quan trọng hơn nhiều so với riêng lẻ thị trường Anh vì nó ở quy mô lớn hơn nhiều. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lên các đơn đặt hàng của các khu vực, cụ thể đối với hàng hóa từ châu Á", báo cáo viết.

Trong khu vực châu Á, Trung Quốc và Việt Nam được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự suy giảm kinh tế châu Âu. Đối với cả hai nền kinh tế, xuất khẩu sang EU và Mỹ đều rất quan trọng, nên sẽ bị tác động ít nhất từ kênh thương mại.

Các chuyên gia nhận định, nếu Anh thực sự rời khỏi EU thì sẽ phải có rất nhiều cuộc thương thảo về tất cả những vấn đề về thương mại, tài chính, lao động với EU và những nước khác do những hiệp định do EU ký trước đây với những nước này có thể sẽ không còn hiệu lực sau khi Anh rời khỏi liên minh này.

Đáng lo ngại nhất có lẽ là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU đang trong quá trình rà soát pháp lý và dự định ký kết vào năm sau chắc chắn sẽ bị chậm lại bởi EU sẽ ưu tiên hoàn tất thủ tục cho Anh rời khỏi châu Âu, và có thể trì hoãn phê duyệt hiệp định FTA với Việt Nam.

Cùng quan điểm này, trong báo cáo mới đây, Hãng tư vấn Dezan Shira & Associates đánh giá sự kiện người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (Brexit) sẽ khiến nhà đầu tư Anh xem lại chiến lược làm ăn tại Việt Nam.

Brexit có thể khiến Anh phải tái đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam, gián đoạn quá trình dỡ bỏ hàng rào thuế có lợi cho nhà đầu tư Anh trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Tin mới lên