Tài chính tiêu dùng

Loạt ngân hàng được bổ sung hoạt động ví điện tử vào giấy phép

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có các quyết định về việc bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép hoạt động của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank)và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Loạt ngân hàng được bổ sung hoạt động ví điện tử vào giấy phép

HDBank vừa được bổ sung hoạt động ví điện tử vào giấy phép hoạt động.

Theo đó, Thống đốc chấp thuận bổ sung Điểm 8 Giấy phép hoạt động số 00019/NH-GP ngày 06/6/1992 của Thống đốc NHNN cấp cho Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM nội dung hoạt động: “Ví điện tử”;

Quyết định bổ sung Khoản 15 Điều 4 Giấy phép thành lập và hoạt động số 279/GP-NHNN ngày 16/9/2013 của Thống đốc NHNN cấp cho Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam nội dung hoạt động: “Ví điện tử”.

Thống đốc cũng quyết định bổ sung Điều 4 Giấy phép hoạt động số 91/GP-NHNN ngày 19/9/2018 của Thống đốc NHNN cấp cho Ngân hàng TMCP Á Châu nội dung hoạt động: “Ví điện tử”.

Bên cạnh đó, Thống đốc quyết định bổ sung Điều 8 Giấy phép hoạt động số 0051/NH-GP ngày 25/3/1994 của Thống đốc NHNN cấp cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á nội dung hoạt động: "Ví điện tử".

Cùng với đó, Thống đốc cũng quyết định bổ sung Điều 5 Giấy phép thành lập và hoạt động số 95/GP-NHNN ngày 28/9/2018 của Thống đốc NHNN cấp cho Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam nội dung hoạt động: "Ví điện tử".

Theo NHNN, các ngân hàng nêu trên có trách nhiệm thực hiện hoạt động ví điện tử theo quy định của pháp luật và của NHNN Việt Nam; thực hiện các thủ tục theo quy định tại Khoản 3 Điều 18b Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 của NHNN quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 17/2017/TT-NHNN ngày 20/11/2017 của NHNN) đối với nội dung hoạt động được bổ sung nêu trên.

Đồng thời, các quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và là một bộ phận không tách rời của Giấy phép hoạt động của Thống đốc NHNN cấp cho các ngân hàng nêu trên.

Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin. Ví điện tử sẽ lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1.

Hiện tại, ở Việt Nam có hơn 20 ví điện tử các loại như Momo, Samsung Pay, Bankplus, Vimo, Zalo pay, Ngân lượng, Ví Việt, VTC pay, Moca,...

Tin mới lên