Thị trường

Lợi nhuận của VNG giảm 53% vì trò chơi trực tuyến

(VNF) - Doanh thu hoạt động trò chơi trực tuyến, mảng cốt lõi của VNG đã giảm gần 20% trong 9 tháng đầu năm nay do ảnh hưởng từ quyết định đóng kênh nạp tiền qua thẻ cao của các nhà mạng.

Lợi nhuận của VNG giảm 53% vì trò chơi trực tuyến

Công ty cổ phần VNG vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 tiếp tục sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, VNG ghi nhận doanh thu 1.095 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù vậy, do tất cả chi phí đều tăng mạnh cùng phần lỗ công ty liên kết tăng khiến lợi nhuận của công ty chỉ đạt 146,8 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ.

Doanh thu tăng trưởng thấp trong khi các chi phí đều tăng mạnh đã diễn ra từ các quý trước trong các báo cáo của VNG. Lũy kế 9 tháng đầu năm doanh thu công ty đạt hơn 3.161 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 1.783 tỷ đồng song chi phí bán hàng và quản lý ghi nhận lần lượt 853 tỷ và 382 tỷ đồng, tăng 72% và 27% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cũng báo lỗ lũy kế từ công ty liên kết tăng hơn gấp đôi, lên 152 tỷ đồng. Kết quả, VNG chỉ lãi ròng 391,1 tỷ đồng, giảm 53% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Hoạt động kinh doanh chính không thuận lợi là một trong những lý do tác động mạnh tới kết quả chung của VNG. Báo cáo tài chính của công ty mẹ cho thấy, doanh thu từ dịch vụ trò chơi trực tuyến 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1.736 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 2.123 tỷ đồng cùng kỳ.

Doanh thu từ dịch vụ quảng cáo trực tuyến đạt 497 tỷ đồng, tăng 30% so với mức 380 tỷ đồng hồi năm ngoái, khả quan song chưa đủ đề bù đắp cho mảng trò chơi trực tuyến.

Việc doanh thu trò chơi trực tuyến giảm từ đầu năm đến nay có thể liên quan đến việc công ty đóng kênh nạp tiền qua thẻ cào 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone vào các trò chơi trực tuyến từ 22h ngày 23/4. Đây là lĩnh vực mang lại phần lớn doanh thu cho VNG. Động thái này diễn ra sau khi đường dây cờ bạc nghìn tỷ Rikvip sử dụng thẻ cào điện thoại được cơ quan điều tra phát hiện và xử lý.

Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh thấp khá đúng với những gì ban lãnh đạo VNG đề ra trong kế hoạch kinh doanh hồi đầu năm. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2018, VNG đặt mục tiêu doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2017, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ đạt 549 tỷ đồng.

Lý do được đưa ra là tập trung nguồn lực đầu tư vào các sản phẩm chiến lược và đa dạng hóa hoạt động. Trong đó, công ty này tập trung vào 4 nhóm chính là ví điện tử, phát triển sản phẩm di động, xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm trong công ty và thương mại điện tử.

Trên thực tế, sau khi thị trường game online ở Việt Nam có dấu hiệu thoái trào, VNG đã rất tích cực đầu tư sang các mô hình kinh doanh khác, trong đó có quảng cáo trực tuyến và thương mại điện tử. Mảng quảng cáo trực tuyến với đại diện tiêu biểu là Zalo cho thấy doanh thu tăng trưởng khả quan, dù mức tăng doanh thu cũng tỉ lệ thuận với chi phí bán hàng.

Với lĩnh vực thương mại điện tử, mặc dù thua lỗ, nhưng VNG tiếp tục đầu tư thêm vào Tiki. Tính tới ngày 30/9/2018, VNG đã rót vốn vào Tiki tổng cộng 506 tỷ đồng, nắm giữ 28,8% cổ phần của Tiki. Tính tới quý trước, công ty đã lỗ 321 tỷ đồng cho khoản đầu tư trên và giá trị còn lại chỉ là 185 tỷ đồng.

Tin mới lên