Ngân hàng

Lựa chọn nào cho các NHTM trước chỉ đạo giảm lãi suất của Thống đốc?

(VNF) – "Nồi cơm" của các NHTM có chắc sẽ vơi đi sau quyết định giảm lãi suất?

Lựa chọn nào cho các NHTM trước chỉ đạo giảm lãi suất của Thống đốc?

Các NHTM vẫn còn lựa chọn để bù đắp lượng lợi nhuận hụt đi khi biên lợi nhuận giảm do giảm lãi suất

Giảm vì "đại cục"

Chưa đầy một tháng sau dấu ấn lớn mang tên Nghị quyết xử lý nợ xấu được Quốc hội chính thức thông qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng lại vừa tạo thêm một dấu ấn lớn khác khi ban hành quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay, kể từ 10/7.

Theo đó, NHNN quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống 7,25%/năm.

Cùng với đó, NHNN cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm.

Mục đích của động thái giảm lãi suất lần này thể hiện rất rõ trong thông cáo của NHNN, là nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 theo Chỉ thị 24/CT-TTg và tiếp tục triển khai tinh thần "Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp" của Nghị quyết 35.

Giảm lãi suất

NHNN quyết định giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bất chấp điều này có thể khiến lợi nhuận của các NHTM suy giảm

Thời gian trước, khi tăng trưởng GDP quý I được công bố với mức tăng "đáng thất vọng" 5,1%, vấn đề giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng GDP đã được đặt ra. Dần dà, yêu cầu này ngày một cấp thiết, trước là ý kiến giảm lãi suất của nhiều Đại biểu Quốc hội, sau là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Lãi suất từ chỗ "phấn đấu giảm", nay đã được "chỉ định giảm", sau khi được cân nhắc thận trọng.

Ngoài thời điểm được cho là thuận lợi hiếm thấy, khi tỷ giá ổn định, lạm phát thấp, áp lực huy động trái phiếu chính phủ giảm mạnh, thì ngay bản thân quyết định giảm lãi suất cũng cho thấy sự tính toán khá rõ ràng.

Mức giảm 0,5%/năm đối với lãi suất cho vay dù không quá lớn nhưng được cho là đủ để tạo hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế. Mặt khác, mức giảm này được giới hạn trong các khoản vay ngắn hạn, lại chỉ áp dụng với các lĩnh vực ưu tiên, nhờ đó tiếp tục làm giảm áp lực lên các ngân hàng thương mại (NHTM)

Thêm nữa, các NHTM cũng được hỗ trợ huy động vốn thông qua việc giảm 0,25%/năm các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm. Các kênh điều tiết như OMO, hay tín phiếu yên ắng trong thời gian qua dự báo sẽ sôi động trở lại cùng mục tiêu hỗ trợ nguồn vốn cho các ngân hàng.

Lựa chọn nào cho các NHTM?

Dù đã có những tính toán trong cường độ và phạm vi giảm lãi suất, cùng các biện pháp hỗ trợ từ NHNN nhưng dù thế nào, giảm lãi suất cho vay cũng tạo ra áp lực giảm lợi nhuận lên các NHTM, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất huy động tiền gửi khó lòng giảm theo lãi suất cho vay, do NHNN vẫn phải giữ ổn định tỷ giá, tăng trưởng huy động vốn vẫn cách khá xa tăng trưởng tín dụng, thêm vào đó, các NHTM vẫn cần lượng "vốn đệm" lớn cho nợ xấu.

Giảm lãi suất cho vay là việc buộc phải làm, biên lợi nhuận cũng theo đó sẽ co lại, nhưng liệu "nồi cơm" của các NHTM có chắc sẽ vơi đi?

Theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ban hành ngày 2/6/2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN xây dựng phương án cụ thể phấn đấu thực hiện giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với diễn biến lạm phát, kết quả xử lý nợ xấu và yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt trên 18%.

Đồng nghĩa, Thủ tướng đã chính thức nới tăng trưởng tín dụng lên trên 18%, mở ra cánh cửa mới cho các NHTM gia tăng lợi nhuận theo quy mô tín dụng, nhằm bù đắp lượng lợi nhuận hụt đi từ quyết định giảm lãi suất cho vay. "Nồi cơm" của các NHTM hụt chỗ này, lại có cơ hội bù đắp từ chỗ khác.

"Đèn xanh" đã bật, các NHTM cũng đang rục rịch đề xuất nới tăng trưởng tín dụng. Tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 vừa diễn ra cuối tuần trước, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành đã đề xuất NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 đối với Vietcombank lên bằng mức tăng trưởng chung của ngành, thay vì mức trần 16% được giao hồi đầu năm.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng ở ba ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, Vietinbank, và Vietcombank sẽ được điều chỉnh tăng thêm từ 2%-3% so với hạn mức ban đầu. Ngoài ra, việc xin tăng room tín dụng ở một số ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng trưởng tín dụng khá mạnh trong quý I/2017, như trường hợp ACB, cũng sẽ dễ dàng hơn.

Vietcombank

Các NHTM đang được "bật đèn xanh" để nới tăng trưởng tín dụng

Lấy quy mô tín dụng để bù đắp biên lợi nhuận là lựa chọn khả dĩ nhất của các NHTM trong bối cảnh hiện nay, thế nhưng, với các NHTM cỡ nhỏ, lựa chọn này không phải dễ dàng.

Các NHTM quy mô nhỏ nhỏ, ngoài việc yếu thế trong huy động vốn từ dân cư khiến lãi suất huy động vốn bao giờ cũng cao hơn các ngân hàng lớn, còn yếu thế ở cả việc huy động vốn từ thị trường liên ngân hàng (do quy định giới hạn huy động vốn từ thị trường liên ngân hàng) và các thị trường khác mà NHNN hay tiến hành bơm vốn hỗ trợ, như thị trường mở, bởi các ngân hàng này nắm giữ ít giấy tờ có giá.

"Có bột mới gột lên hồ". Huy động vốn khó khăn, các NHTM cỡ nhỏ khó lòng đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận hụt đi do giảm lãi suất cho vay theo đó khó lòng bù đắp được.

Tin mới lên