Tài chính

Lương thưởng tại SCIC: Câu chuyện từng khiến dư luận dậy sóng trong quá khứ

(VNF) - Không chỉ gần đây câu chuyện về lương thưởng của lãnh đạo, cán bộ ở Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mới gây sóng dư luận mà cách đây vài năm, câu chuyện này cũng tốn không ít giấy mực.

Lương thưởng tại SCIC: Câu chuyện từng khiến dư luận dậy sóng trong quá khứ

Lãnh đạo nhận lương trăm triệu một tháng

Theo báo cáo quản trị của SCIC, trong năm 2015, 6 lãnh đạo chủ chốt của "siêu tổng công ty" này có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Trong đó, ông Lai Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC, nhận về hơn 1,4 tỷ đồng; bình quân mỗi tháng, ông Đạo có hơn 119 triệu đồng.

Bốn Phó Tổng giám đốc, gồm: ông Lê Song Lai, ông Hoàng Nguyên Học, ông Nguyễn Quốc Huy, bà Nhữ Thị Hồng Liên, cũng nhận về mỗi người gần 1,3 tỷ đồng năm 2015. Ngoài ra, Kiểm soát viên Nguyễn Quốc Trị cũng nhận về gần 1,1 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính, năm 2015, SCIC chi tới 121 tỷ đồng để trả chi phí cho nhân viên, trong đó chi phí cho các cấp quản lý là 71,7 tỷ đồng còn nhân viên là 49,3 tỷ đồng. Với số nhân viên khoảng 273 người, ước tính chi phí cho một nhân viên của SCIC lên tới 37 triệu đồng/tháng (con số này năm 2014 là 30,4 triệu đồng/tháng. Chi phí nhân viên bao gồm lương và các khoản trợ cấp khác.

Năm 2015 là năm tăng trưởng vượt bậc của SCIC cả về doanh thu và lợi nhuận: doanh thu năm 2015 của công ty đạt 10.595 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 8.004 tỷ đồng.

Trước câu hỏi của dư luận, trong thông cáo báo chí gần đây SCIC khẳng định việc chi trả tiền lương, thưởng cho viên chức quản lý và người lao động SCIC tuân thủ đúng quy định của pháp luật và phù hợp kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

"Điều này do quy chế tài chính của SCIC được ban hành theo Quyết định số 3369/QĐ-BTC ngày 31/12/2014 của Bộ Tài chính áp dụng cho năm tài chính 2014 trở đi nên SCIC đã gộp cả nguồn của năm 2014 và năm 2015 để chi trả", SCIC giải thích. Đồng thời phía SCIC cho biết đã báo cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vấn đề này và sẽ thông tin chi tiết khi có kết quả báo cáo.

Từng khiến dư luận một phen dậy sóng

Liên quan đến số liệu lương thưởng tại SCIC, cuối năm 2009, câu chuyện về thu nhập của các lãnh đạo "siêu tổng công ty" này đã từng khiến dư luận một phen "dậy sóng". Theo đó, đầu tháng 12/2009, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thông báo kết quả kiểm toán một số cơ quan, đơn vị trong năm 2009, trong đó có SCIC.

Theo KTNN, trong kế hoạch trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính, SCIC dự kiến tổng thu nhập bình quân của mỗi lãnh đạo (thuộc SCIC) là 40 triệu đồng/tháng nhưng trên thực tế, mỗi người đã lĩnh tới 78,5 triệu đồng/tháng. Quỹ tiền lương của lãnh đạo SCIC được duyệt chi gần 1,5 tỷ đồng nhưng hết năm 2008 đã chi tới hơn 2,6 tỷ đồng.

Điều khiến dư luận bức xúc nhất là thời điểm đó Jetstar Pacific lỗ trong một thời gian khá dài song lãnh đạo hãng vẫn được hưởng mức lương khá cao. Ông Hoàng Nguyên Học khẳng định bảng giá lương này do Hội đồng quản trị quyết định căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh và lợi nhuận.

Ông cho biết, trước đó, Hội đồng quản trị Jetstar Pacific đã thuê công ty tư vấn Mercer xây dựng bảng lương và chế độ đãi ngộ trong công ty trên cơ sở kế hoạch kinh doanh năm 2008 - 2009 có lãi dự kiến 9 - 27 triệu USD. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, công ty thua lỗ, nhất là sau khi thực hiện nghiệp vụ hedging nhiên liệu đã khiến công ty mất thêm 31 triệu USD.

Trước tình hình trên, Tổng giám đốc SCIC đã lập tức làm việc với lãnh đạo Qantas để tìm biện pháp khắc phục. SCIC cũng thuê tư vấn pháp lý để xác định cụ thể trách nhiệm cá nhân có liên quan đến khoản lỗ 31 tỷ đồng do quyết sách sai lầm về giá dầu. Đồng thời, tổng công ty cũng yêu cầu Jetstar Pacific cắt giảm mạnh chi phí, tiền lương thông qua việc cắt giảm nhân sự nước ngoài, giảm biên chế không cần thiết.

Tiền thân của Jetstar Pacific Airlines là Công ty cổ phần Pacific Airlines thành lập năm 1991. Do kinh doanh thua lỗ, tháng 1/2005, Chính phủ giao Bộ Tài chính thực hiện tái cơ cấu toàn diện công ty. Sau khi thành lập, SCIC, tháng 9/2006, Pacific Airlines được giao lại cho siêu tổng công ty này tiếp quản. Tại thời điểm chuyển giao, Pacific Airlines đang trong giai đoạn thua lỗ đầm đìa. Và trên cơ sở đề xuất của SCIC, ngày 25/4/2007, Thủ tướng phê duyệt phương án tái cấu trúc công ty theo mô hình hàng không giá rẻ có sự tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài (Qantas - Australia).

Ngày 21/2/2012, Vietnam Airlines trở thành cổ đông lớn nhất của Jestar Pacific khi tiếp nhận quyền đại diện phần vốn nhà nước của Jetstar Pacific từ SCIC với 70% cổ phần.

Một cán bộ, hưởng vài lương

Thời gian qua, các nhà đầu tư đã nhiều lần lên tiếng chất vấn SCIC(Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước) về việc SCIC "lạm dụng" quyền cổ đông lớn trực tiếp tham gia vào việc quản lý và điều hành trong nhiều doanh nghiệp, nhất là ở các doanh nghiệp niêm yết lớn như Vinamilk, Vinaconex, FPT, hay các công ty kinh doanh đặc thù như Dược Hậu Giang, Traphaco.

Giữa năm 2015, SCIC cử ông Hoàng Nguyên Học làm đại diện vốn và đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Song song với chức trách tại Vinaconex, ông Hoàng Nguyên Học cũng đồng thời "lãnh ấn" Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (mã chứng khoán: DHG) và nắm giữ vị trí Thành viên Hội đồng Thành viên kiêm Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Thế nhưng bất ngờ là vào tháng 10 năm 2015, nghĩa là chỉ 4 tháng sau khi đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Vinaconex, ông Học đã nhường lại chức Chủ tịch cho ông Vũ Quý Hà (cựu Tổng giám đốc của Vinaconex). Mặc dù là cổ đông lớn nhất, nắm giữ đến gần 58% cổ phần tại Vinaconex, sau khi ông Học từ nhiệm, SCIC đã không tiếp tục cử người đại diện tham gia HĐQT.

Với vị trí đảm đương tại các doanh nghiệp, ông Hoàng Nguyên Học nhận được các quyền lợi kèm theo do doanh nghiệp chi trả. Cụ thể, theo Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên năm 2014 của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, tổng thù lao cho HĐQT, ban kiểm soát và cộng tác viên trong năm 2014 là 5 tỷ đồng.

Tuy Dược Hậu Giang không công bố mức thù lao cụ thể cho từng người trong HĐQT, ban kiểm soát nhưng tạm tính theo phương pháp cào bằng thì mỗi thành viên lãnh đạo Dược Hậu Giang cũng đã nhận được "nhiều trăm triệu đồng" trong năm 2014. Riêng cá nhân ông Học, với cương vị Chủ tịch HĐQT mà mình đang nắm giữ, con số thù lao có lẽ sẽ còn cao hơn.

Ông Lê Song Lai – Phó Tổng Giám đốc SCIC, đồng thời là thành viên HĐQT Vinamilk, Chủ tịch HĐQT Vinare, thành viên HĐQT Bảo Minh và ủy viên HĐQT FPT. Chỉ riêng tại Vinamilk, thù lao cho thành viên HĐQT năm 2015 là gần 4,9 tỷ đồng. Nếu cũng tính cào bằng chia ra cho 6 người thuộc HĐQT và Ban điều hành thì ông Lai nhận được khoảng 800 triệu/năm. Còn tại Vinare và FPT tính tương tự vậy ông Lai cũng nhận được thêm không ít hơn 700 triệu/1 năm.

Với thù lao HĐQT ở các doanh nghiệp, lãnh đạo SCIC đang duy trì chế độ "một cán bộ, hưởng vài lương", mặc cho vấn đề này đã bị Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ vào năm 2009 - 2010.

Rõ ràng đang có một sự bất cập rất lớn giữa trách nhiệm của SCIC trong vai trò một công ty quản lý vốn, và sử dụng quyền cầm vốn. Một điều không thể chối cãi rằng những cá nhân đại diện của SCIC đang hưởng lợi từ vị trí họ được phân trong HĐQT ở doanh nghiệp, trong khi trách nhiệm cũng như hiệu quả công việc của họ lại khá mù mờ.

Tin mới lên