Tài chính quốc tế

Lý do nào khiến giá dầu biến động liên tục gần đây?

(VNF) - Quyết định gia hạn hay kết thúc thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) là nguyên nhân chính khiến giá dầu thế giới biến động liên tục trong tuần này.

Lý do nào khiến giá dầu biến động liên tục gần đây?

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 3/11, giá dầu thế giới tiếp tục duy trì đà tăng.

Hồi đầu tuần (30-31/10), giá của cả hai loại dầu chủ chốt là dầu ngọt nhẹ và dầu Brent đồng loạt tăng trong hai phiên giao dịch liên tiếp. Như vậy, trong tháng 10, giá dầu Brent tăng trên 6,7%, trong lúc giá dầu WTI tăng 5,2%.

Nguyên nhân bởi OPEC, Nga và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 1/2017, nhằm hạn chế tình trạng dư thừa cung và trợ giá "vàng đen" trên thị trường thế giới. Theo dự kiến, thỏa thuận này sẽ kết thúc vào tháng 3/2018 (sau khi đã được gia hạn một lần).

Nhưng sau đó, Nga và Saudi Arabia đã lên tiếng tiếp tục ủng hộ duy trì thỏa thuận này. Theo Tổng Thư ký OPEC, Mohammad Barkindo, sự ủng hộ của Nga và Saudi Arabia đã làm rõ hơn nội dung của cuộc họp OPEC diễn ra vào 30/11/2017 tại Áo sắp tới.

Đến ngày 1/11, bất ngờ xảy ra, khi giá dầu thế giới quay đầu, giảm xuống mức thấp nhất so với tháng trước do giới đầu tư vẫn hoài nghi về khả năng OPEC kết thúc kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ theo dự định.

Tuy nhiên, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc tháng giảm 2,4 triệu thùng, thấp hơn dự báo giảm 5,1 triệu thùng của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), nhưng cao hơn rất nhiều so với dự báo giảm 1,4 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.

Sau báo cáo của EIA, nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng các nhà sản xuất dầu thô tại Mỹ sẽ nâng sản lượng sau đợt tăng gần đây của giá dầu, mặt hàng này lại tiếp tục phục hồi trong hai phiên giao dịch vào cuối tuần này. 

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 3/11, giá dầu thế giới tiếp tục duy trì đà tăng, sau khi công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes công bố báo cáo hàng tuần cho hay, số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 3/11 giảm xuống còn 729 chiếc, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017. 

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 12/2017 tăng 1,1 USD (2%), lên 55,64 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2015.

Còn tại London, giá dầu Brent giao tháng 1/2018 cũng tăng 1,45 USD (2,4%), lên 62,07 USD/thùng. Giá dầu Brent đã tăng khoảng 38% so với mức thấp xác lập vào tháng 6/2017. Tính chung cả tuần qua, giá hai loại dầu chủ chốt này đều tăng 3%. 

Một trong những nhân tố cũng góp phần tạo lợi thế cho thị trường năng lượng thời gian qua phải kể tới lo ngại về tình hình bất ổn tài chính đang diễn ra tại Venezuela, một thành viên của OPEC và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc. 

Hiện nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nhập khẩu khoảng 9 triệu thùng dầu/ngày, vượt qua Mỹ để trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Tin mới lên