M&A

M&A 2017-2018: Chờ những ‘bom tấn’ thoái vốn, cổ phần hóa

Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đang có xu hướng chậm lại nhưng vẫn được đánh giá giàu tiềm năng nhờ những thương vụ thoái vốn, cổ phần hóa lớn tại hàngloạt doanh nghiệp đứng đầu các ngành bia, thép, sữa, xây dựng.

M&A 2017-2018: Chờ những ‘bom tấn’ thoái vốn, cổ phần hóa

Chính phủ hiện đang đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa tại các tập đoàn lớn.

Những trở ngại

Sau 8 tháng, thị trường M&A Việt Nam vẫn không có tiến triển đột phá khiến giới chuyên môn lo ngại cả năm nay, giá trị M&A sẽ không dễ vượt qua con số 5,8 tỷ USD của năm 2016.

Có 3 thách thức đối với tăng trưởng M&A tại Việt Nam năm nay được giới nghiên cứu đưa ra là đó là sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia trong khu vực trong việc thu hút dòng vốn ngoại; trở ngại từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế.

Giới đầu tư và tư vấn đã liệt kê ra nhiều hạn chế cản trở sự phát triển M&A tại Việt Nam. Chẳng hạn, về chất lượng doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là còn yếu, vốn điều lệ của đa số các doanh nghiệp niêm yết mới ở mức 50-80 tỷ đồng, tương đương 2-4 triệu USD, vốn hóa khoảng 5-10 triệu USD. 

Cùng với đó, tỷ lệ muốn nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức cao; nhiều công ty tư nhân lớn vẫn chưa thoát khỏi tâm lý không muốn bán hết doanh nghiệp, trong khi nhà đầu tư ngoại thì muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động kinh doanh.

Đặc biệt, nhận định của các chuyên gia cho rằng, một trong những lý do quan trọng khiến thị trường M&A Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm chính từ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn, đặc biệt ở những doanh nghiệp lớn, còn chậm. 

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài dường như lại đang nhắm đến việc mua cổ phần trong hàng loạt doanh nghiệp lớn ở Việt Nam. Vì vậy, để thị trường M&A Việt Nam có thể đạt giá trị như mục tiêu, điều kiện cần thiết là phải khởi động các thương vụ lớn trong năm nay, giá trị thị trường M&A Việt Nam sẽ đạt cao hơn kỳ vọng nhiều.

Chờ đột phá

Khởi động các thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước chính là động lực tạo thêm nguồn hàng tốt hơn cho nhà đầu tư muốn tham gia M&A.

Nguồn hàng phong phú chính là lý do mà một trong hai kịch bản thị trường M&A 2017-2018 do nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam dự báo lạc quan rằng nếu có sự đột biến ở những thương vụ lớn từ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, thì giá trị hoàn toàn có thể đạt mốc 6,2 - 6,5 tỷ USD hoặc cao hơn (tương đương tăng trưởng thị trường 6,5 -10%).

Chính phủ hiện đang đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), các tổng công ty phát điện 1, 2, 3 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam), Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil - thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO), Tổng công ty Sông Đà (Bộ Xây dựng), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power)… 

Mới đây nhất, phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đến năm 2010 vừa được Thủ tướng phê duyệt trong tháng 7/2017 đã công bố kế hoạch thoái vốn tại 137 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2017. 

Danh sách này có những cái tên đáng chú ý như Vinamilk (bán 39%), Traphaco (bán 36%), Dược Hậu Giang (bán 43%), Xuất nhập khẩu Sa Giang (bán 50%), Nhựa Thiếu niên Tiền phong (bán 37%), Nhựa Bình Minh (30%), Tập đoàn Bảo Việt (3%), Ngân hàng TMCP Quân đội (bán 10%)...

Với Vinamilk, Chính phủ phê duyệt phương án bán hơn 48,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,33% vốn điều lệ của Vinamilk, giảm sở hữu Nhà nước xuống còn 36% vốn. Số tiền thu về dự tính đạt khoảng 6.500 - 7.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong tháng 10/2017.

Hiện cổ đông Nhà nước nắm 89,59% vốn điều lệ Sabeco và 81,79 % Habeco.

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã cổ phần hóa hơn 8 năm, hiện cổ đông Nhà nước nắm 89,59% vốn điều lệ Sabeco và 81,79 % Habeco. Hai hãng này đang nắm giữ khoảng 65% thị phần bia Việt Nam và được hàng loạt doanh nghiệp bia lớn trên thế giới "đánh tiếng" mua cổ phần.

Với Habeco, nhà đầu tư có khả năng mua nhiều nhất là Carlsberg. Công ty này đang là cổ đông chiến lược giữ hơn 17% cổ phần Habeco và được quyền ưu tiên mua lại khi Nhà nước thoái vốn, nhưng vấn đề về giá sẽ là rào cản lớn nhất cho thương vụ.

Sabeco có vẻ có nhiều người mua tiềm năng hơn, chủ yếu là các doanh nghiệp trong khu vực. Trước đây không lâu, Tập đoàn San Miguel - đại gia bia Philippines cho biết đang tiến hành "định giá và có thể sẽ đề nghị mua lại" Sabeco. 

Ngoài ra, hàng loạt các tên tuổi trong ngành bia thế giới như Kirin Holdings, Asahi (Nhật), Heineken (Hà Lan), Singha, ThaiBev (Thái Lan), AB InBev, SABMiller (Mỹ)… cũng đang xếp hàng chờ mua cổ phiếu Sabeco.

Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) dự kiến, IPO diễn ra vào quý III/2017. Theo Quyết định về việc xác định giá trị PV Power để cổ phần hóa, tại thời điểm 31/12/2015, giá trị thực tế của doanh nghiệp của Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam là 60.623 tỷ đồng (khoảng 2,67 tỷ USD). Trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại PV Power là 33.556 tỷ đồng.

Giá trị doanh nghiệp của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) Bộ Công thương phê duyệt là 10.342 tỷ đồng. PV Oil đang trình phê duyệt kế hoạch bán đến 64,9% vốn nhà nước trong đợt đầu, trong đó bán cho cổ đông chiến lược từ 44-49%, bán thông qua đấu giá công khai 15-20% và bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên 1%. Thời điểm IPO dự kiến vào cuối quý III hoặc đầu quý IV/2017.

Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) sẽ thực hiện IPO trong quý III/2017. Theo phương án cổ phần hóa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2016, giá trị doanh nghiệp của Vinafood 2 được xác định là 4.980 tỷ đồng.

Với Tổng công ty Sông Đà, 135 triệu cổ phần sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược (30% vốn điều lệ), bán qua IPO 84,77 triệu cổ phần (18,82% vốn điều lệ) và bán cho người lao động 822 nghìn cổ phần (0,18% vốn điều lệ). Theo kế hoạch, năm 2017, Tổng công ty Sông Đà sẽ hoàn thành cổ phần hóa. 

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) dự kiến hoàn thành cổ phần hóa trong quý III/2017. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước giữ 75% vốn điều lệ của VRG cùng 20 đơn vị thành viên và 4 đơn vị sự nghiệp. Dự kiến, khi IPO, chào bán 25% vốn, VRG ước tính thu 10.000 tỷ đồng.

Còn đối với Tổng công ty Phát điện (Genco) 1, 2, 3 thuộc Tập đoàn EVN, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành cổ phần hóa Genco 3 trong năm 2017; Genco 1 và Genco 2 trong năm 2018. Phương án cổ phần hóa Genco 3 đang chờ phê duyệt theo hướng Nhà nước giữ không dưới 51% vốn khi IPO, giá trị doanh nghiệp của Genco 3 là 91.433 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 24.600 tỷ đồng.

Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) sẽ thực hiện IPO trong quý III/2017.

Thị trường M&A nửa cuối 2017 và năm 2018 hứa hẹn một mùa sôi động với những "món ngon" hấp dẫn cho các nhà đầu tư muốn thâm nhập hoặc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. 

Tin mới lên