M&A

M&A ngành hàng tiêu dùng: một mũi tên nhắm hai đích

Ngành hàng tiêu dùng Việt Nam đã được nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhắm đến từ lâu vì không chỉ nhìn thấy tiềm năng trong ngành mà còn nhắm đến những mục tiêu dài hạn trong quá trình thâu tóm và chiếm lĩnh thị trường tại các khu vực lân cận.

M&A ngành hàng tiêu dùng: một mũi tên nhắm hai đích

Ngày 30/3/2017, Earth Chemical - Tập đoàn đa ngành của Nhật Bản đã thông báo mua lại 100% vốn của Công ty Cổ phần Á Mỹ Gia (AMG) từ 7 cổ đông đều đang là quản lý cao cấp tại công ty này với mức giá 1.823,6 tỷ đồng. Điều đáng nói là Á Mỹ Gia có vốn điều lệ rơi vào khoảng 15 tỷ đồng (theo thông tin từ Earth Chemical).

Thương vụ này cho thấy, Earth Chemical đánh giá rất cao Á Mỹ Gia, chính xác hơn là thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam. Năm 2011 là năm ghi dấu hàng loạt các thương vụ mua bán lớn trong ngành tiêu dùng. Tiêu biểu như, Unicharm đã mua lại Diana với mức định giá khoảng 4.000 tỷ đồng trong khi công ty này có doanh thu 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận 40 tỷ đồng vào năm liền trước; Marico mua lại ICP với mức định giá khoảng 70 triệu USD khi ICP có doanh thu 400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng năm 2010; KKR mua cổ phần tại Masan Consumer với định giá công ty ở mức 5 lần doanh thu.

Điều đáng nói là các công ty được thu mua đều có những chỗ đứng nhất định trong thị trường hàng tiêu dùng. Diana có chỗ đứng vững chắc nhờ loạt sản phẩm băng vệ sinh, tã giấy; ICP có nhãn hàng nổi bật là X-men; Masan Consumer phổ biến với hàng loạt nhãn hiệu thực phẩm mì ăn liền, nước chấm; AMG nổi tiếng với thương hiệu nước tẩy rửa GIFT…

Điều quan trọng hơn chính là các công ty được thu mua này đều có hệ thống phân phối sản phẩm rộng khắp. Đây chính là yếu tố quan trọng khiến giá trị của các công ty này tăng lên nhiều lần bên cạnh yếu tố thuộc về ngành hàng. Giống như đánh giá từ Earth Chemical, đầu tư vào AMG ngoài yếu tố ngành hàng, việc tận dụng được chuỗi phân phối của AMG giúp Earth Chemical thực hiện tham vọng phát triển thị trường tại khu vực tiểu vùng sông Mê Kông.

Nhìn thêm vào sâu trong chuỗi ngành tiêu dùng thì hàng tiêu dùng nhanh cũng được nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhắm đến. Đơn cử, năm 2015, Tập đoàn Mondelez đã mua thành công 80% cổ phần của Kinh Đô Bình Dương – công ty phụ trách mảng kẹo của Tập đoàn Kinh Đô, nghiêng cán cân sở hữu về cho doanh nghiệp nước ngoài. Thậm chí, phía Lotte cũng đã từng muốn thâu tóm Bibica nhưng cuối cùng lại bất thành khi có sự xuất hiện của nhóm cổ đông liên quan đến ông Nguyễn Duy Hưng, thuộc Tập đoàn PAN Group.

Từ các thương vụ này có thể thấy, ngành hàng tiêu dùng Việt Nam đã được nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhắm đến từ lâu. Họ không chỉ nhìn thấy tiềm năng trong ngành hàng này mà còn nhắm đến những mục tiêu dài hạn trong quá trình thâu tóm và chiếm lĩnh thị trường tại các khu vực lân cận.

Tháng 3/2017 vừa qua, Vinataba liên tục thực hiện nhiều cuộc thoái vốn tại Hải Hà và Hữu Nghị - hai công ty bánh kẹo lớn của Việt Nam càng mở đường cho nhiều cuộc đổ bộ đầu tư mới khi thị trường bánh kẹo tiếp tục được đánh giá là một trong những ngành nghề thu lại lợi nhuận lớn trong thị trường hàng tiêu dùng. Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành bánh kẹo luôn giữ tỷ trọng 20% - 40% trong ngành thực phẩm.

Tin mới lên