M&A

Mua cổ phần của LafargeHolcim Việt Nam: Bữa tiệc khó xơi của Vicem

Còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2016, cũng đồng nghĩa với việc, thương vụ mua lại 65% cổ phần tại Công ty LafargeHolcim Việt Nam của Tập đoàn Siam City Cement Public Company Limited (SCCC) hoàn tất. Là cổ đông nắm giữ 35% cổ phần, Vicem có động thái gì để thay đổi vị thế?

Mua cổ phần của LafargeHolcim Việt Nam: Bữa tiệc khó xơi của Vicem

Còn hơn 1 tháng nữa, thương vụ mua cổ phần tại Công ty LafargeHolcim Việt Nam của Tập đoàn Siam City Cement Public Company Limited (SCCC) hoàn tất.

Đã hơn 3 tháng trôi qua, kể từ ngày Tập đoàn LafargeHolcim ký kết thỏa thuận với SCCC để bán hết 65% cổ phần của mình tại Công ty LafargeHolcim Việt Nam, thời điểm để chủ mới tiếp quản Nhà máy LafargeHolcim Việt Nam đang đến rất gần. Trước tình thế này, Tổng công ty cổ phần Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), cổ đông nắm giữ 35% vốn trong liên doanh này, với lợi thế được quyền mua trước đối tác đã ký thỏa thuận với  LafargeHolcim, sẽ làm gì để thay đổi vị thế của mình trong Liên doanh, hay tiếp tục "kiên định" với vị trí đã có?

Thành lập năm 1994, Holcim Việt Nam hiện có vốn đầu tư 441 triệu USD, trong đó LafageHolcim góp 65%, Vicem nắm giữ 35% cổ phần. Liên doanh này đang sở hữu hệ thống các trạm nghiền và nhà máy sản xuất xi măng với tổng công suất hơn 6 triệu tấn/năm, đồng thời, cũng là nhà cung cấp bê tông tươi tại Việt Nam với 7 trạm trộn bê tông tại nhiều quận của TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Là một liên doanh xi măng thành công trên thị trường Việt Nam hơn 24 năm qua, việc LafargeHolcim quyết định rút lui khỏi thị trường Việt Nam trước đó khiến không ít nhà sản xuất xi măng trong và ngoài nước "nhòm ngó".

Được biết, hệ thống các nhà máy của LafargeHolcim Việt Nam được định giá khoảng 890 triệu USD. Theo đó, với việc ký kết thỏa thuận từ trước, SCCC sẽ chi khoảng 580 triệu USD để mua lại số cổ phần nói trên.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Vicem cho biết, theo kế hoạch, cuối năm nay, thương vụ mua bán này sẽ  hoàn tất. Vậy khả năng Vicem mua lại số cổ phần từ đối tác trong Liên doanh này? Ông Khải cho rằng, sẽ chưa thể có câu trả lời cuối cùng, khi mà chưa đến thời điểm hoàn tất thương vụ mua bán kể trên.

"Tất nhiên, không thể phủ nhận thực tế, Vicem có băn khoăn về phương án, khi khả năng mua không thành hiện thực thì tới đây, nhà đầu tư mới sở hữu 65% cổ phần vào tiếp quản các nhà máy của LafargeHolcim tại Việt Nam, liệu có tiếp tục giữ ổn định được hoạt động sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả đồng vốn cho cổ đông hay không? Đó là điều Vicem tính đến nhiều nhất", ông Khải nói.

Theo đánh giá của giới kinh doanh xi măng, với mức định giá lên tới  890 triệu USD, nếu muốn sở hữu 65% vốn, tương đương 580 triệu USD thì Vicem phải xoay sở được khoảng 12.000 tỷ đồng, khoản vốn khổng lồ với Vicem.

Thị trường xi măng đang dư cung so với cầu, cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp ở cả mảng thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, việc tăng thêm công suất 6 - 7 triệu tấn/năm là một "bữa tiệc" khó xơi với bất kỳ doanh nghiệp nào, Vicem cũng không ngoại lệ.

Vicem hiện có vốn điều lệ gần 13.000 tỷ đồng, vốn pháp định 6.000 tỷ đồng, là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường xi măng Việt Nam với 36% thị phần, quy mô công suất hơn 25 triệu tấn/năm. Năm 2015, thị trường tiêu thụ xi măng dù không tăng trưởng mạnh nhưng cũng khá ổn định, đã giúp Vicem thu về lợi nhuận hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vicem đang trong quá trình cổ phần hóa, việc lo thu xếp một khoản vốn quá lớn trong bối cảnh hiện tại không thật sự dễ dàng, khi không thể trông chờ vào nguồn lực từ Nhà nước. Chưa kể, là doanh nghiệp nhà nước, việc mua lại cổ phần từ đối tác ngoại không chỉ mình Vicem có thể quyết định, mà cần sự cho phép của các bộ, ngành liên quan.

Thời gian qua, các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) diễn ra khá mạnh mẽ trong ngành xi măng, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài mua lại các nhà máy xi măng Việt Nam, hay doanh nghiệp trong nước mua lại của nhau, chưa có thương vụ M&A nào diễn ra thành công do doanh nghiệp nội mua lại doanh nghiệp nước ngoài. Các thương vụ M&A điển hình như Tập đoàn SCG (Thái Lan) mua Xi măng Bửu Long (Đồng Nai), Tập đoàn Semen Gresik (Indonesia) mua Xi măng Thăng Long (Quảng Ninh)…

SCCC, đối tác mua lại 65% cổ phần trong thương vụ thoái vốn của LafargeHolcim không xa lạ gì với giới kinh doanh xi măng trong nước và quốc tế. Là doanh nghiệp xi măng lớn thứ 2 ở Thái Lan thành lập năm 1969. Với lịch sử 45 năm hoạt động, SCCC đang có chiến lược mở rộng hoạt động sang các thị trường như Indonesia, Campuchia, Bangladesh,Sri Lanka… và cũng không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh vật liệu xây dựng tại thị trường Việt Nam.

Tin mới lên