M&A

Nga tạm dừng kế hoạch mua 49% cổ phần Lọc dầu Dung Quất

(VNF) - Do không thỏa mãn với các điều kiện mà phía Việt Nam đề xuất, Tâp đoàn dầu khí Nga Gazprom Neft hiện đã ngưng kế hoạch tham gia mua 49% cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Nga tạm dừng kế hoạch mua 49% cổ phần Lọc dầu Dung Quất

Ông Alexandr Dyukov -  lãnh đạo công ty cho biết, Gazprom Neft trước đó đã sẵn sàng tham gia vào nhà máy lọc dầu Dung Quất của Việt Nam, nhưng hiện thời công ty không thỏa mãn với các điều kiện mà phía Việt Nam đề xuất.

"Thoạt đầu, các điều kiện giả định lợi nhuận thích hợp với khoản đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, phía Việt Nam chưa sẵn sàng cung cấp cho dự án này những ưu đãi mà chúng tôi mong đợi, tương ứng với mức sinh lợi thấp hơn. Chúng tôi không thể tiến tới đầu tư khi mức sinh lợi thấp hơn. Họ không hiểu chúng tôi, cũng như các cổ đông của chúng tôi", ông Dyukov nói.

Trong văn kiện ký kết trước đó giữa "Gazprom Neft" và Petrovietnam,  "Gazprom Neft" dự định mua 49% tỷ lệ sở hữu và quản lý nhà máy của công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (Binh Son Refining and Petrochemical).

Trước đó, Gazprom Neft đã gửi thư kiến nghị gửi các bộ, ngành của Việt Nam đề xuất cơ chế ưu đãi, điều kiện để tập đoàn này tham gia hợp tác PetroVietnam để vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng như tham gia làm dự án mở rộng nhà máy. Tuy nhiên Bộ Công Thương đã gửi thư phúc đáp, khẳng định không thể tiếp tục ưu đãi về thuế nhập khẩu cho Dung Quất sau 2018.

Lọc dầu Dung Quất liên tục kêu khó tiêu thụ sản phẩm do bị tính thuế nhập khẩu cao nên giá thành cao hơn so với sản phẩm nhập khẩu. Thậm chí, PetroVietnam còn tuyên bố nguy cơ đóng cửa nhà máy do thua lỗ.

Việc Gazprom Neft rút ý định mua 49% cổ phần của nhà máy lọc dầu Dung Quất đã khiến tình trạng khó khăn của nhà máy này đã khó lại còn khó hơn. Và gần như phương án mở rộng nhà máy cũng bị dừng lại. Tuy nhiên, theo ông Dyukov, điều này không có nghĩa là Gazprom Neft không còn quan tâm đến dự án này trong tương lai.

"Tuy nhiên điều đó không ngăn cản chúng ta trở lại vấn đề này trong tương lai. Thời điểm hiện tại, chúng tôi thấy chưa đồng ý với những đề xuất mà phía Việt Nam đưa ra. Do đó, khi nào phía đối tác sẵn sàng cung cấp những điều kiện mà chúng tôi thấy xác đáng thì chúng ta có thể thông qua quyết định", đại diện Alexandr Dyukovg kết luận.

Tin mới lên