M&A

SCB muốn bán hơn 50% cổ phần cho đối tác ngoại

Về mặt nguyên tắc, những ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu được phép đề xuất Chính phủ chấp thuận bán cho nhà đầu tư nước ngoài trên 50% vốn, do đó SCB đang xây dựng kế hoạch để xin bán tối đa tỷ lệ này.

SCB muốn bán hơn 50% cổ phần cho đối tác ngoại

SCB đang muốn bán hơn 51% cổ phần cho đối tác ngoại. Ảnh: PV.

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, đối với nhà đầu tư ngoại khi tham gia vào những ngân hàng đang tái cấu trúc, họ rất muốn nắm quyền sở hữu trên 50% cổ phần. Đó là lý do ngân hàng xây dựng kế hoạch bán hơn 50% cổ phần cho đối tác ngoại.

Theo ông Văn, với tỷ lệ chi phối này, khi cổ đông ngoại tham gia điều hành trong Hội đồng quản trị ngân hàng, thì quy trình quản lý, quản trị rủi ro cũng sẽ được nâng tầm…, nên việc nới room cho nhà đầu tư ngoại là cấp thiết.

Do đó, từ năm 2016, ông Văn cho biết ban lãnh đạo SCB đã xây dựng kế hoạch tìm kiếm đối tác ngoại. Và cơ bản, ngân hàng đã tiếp xúc với ba tổ chức nước ngoài nhưng thấy chưa phù hợp. "Khi nào chúng tôi tìm được đối tác nước ngoài phù hợp sẽ tiến hành lập đề án chi tiết để trình Thủ tướng phê duyệt, cho phép bán hơn 50% cổ phần ngân hàng", ông Văn nói.

Theo vị CEO này, mảng bất động sản với tài chính luôn song hành, nhất là khi tài sản đảm bảo của SCB chủ yếu là bất động sản, nên ngân hàng rất cần những đối tác đủ mạnh về tài chính và chiến lược kinh doanh, để sau khi bắt tay hợp tác có thể giải quyết những khó khăn này. Vì thế, Ngân hàng Sài Gòn đang định hướng đàm phán, tìm kiếm các đối tác chiến lược nước ngoài theo tiêu chí nói trên, nên chưa thể kỳ vọng có thể tìm được cổ đông phù hợp trong một sớm một chiều. Bởi SCB nhận thấy rằng, ngoài việc rót vốn, điều quan trọng nhất là đối tác phải cùng chiến lược kinh doanh với ngân hàng.

Ông Văn chia sẻ thêm, với tình hình hoạt động như hiện nay, không quá 3 năm, ngân hàng sẽ đạt được con số lợi nhuận nghìn tỷ và thực hiện chia cổ tức cho cổ đông. "Nếu có đối tác ngoại mua hơn 50% cổ phần và tham gia tái cơ cấu ngân hàng thì thời gian sẽ được rút ngắn hơn", ông dự đoán. 

Trong đại hội cổ đông ngày 18/4, ban lãnh đạo SCB cho biết, tính đến 31/12/2016, giá trị tổng tài sản (hợp nhất) của ngân hàng đạt 361.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ 5 trong hệ thống. Kết thúc năm vừa rồi, SCB đạt 136 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Năm 2017, ngân hàng này tiếp tục chiến lược tái cơ cấu giai đoạn 2015 - 2019 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Theo đó, SCB phải đạt mức vốn điều lệ 16.000 tỷ đồng và năm 2019 đạt 18.000 tỷ đồng.

Trong năm 2016, SCB đã có kế hoạch tăng vốn từ 14.295 tỷ đồng lên 16.000 tỷ đồng và đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Hiện ngân hàng đang bổ sung hồ sơ và dự kiến trong năm 2017 tăng vốn điều lệ thêm 1.705 tỷ đồng và hoàn thành mức 16.000 tỷ đồng, đặt mục tiêu thu hồi 1.500 tỷ đồng nợ quá hạn, nợ xấu. lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 183 tỷ đồng.

Tin mới lên