M&A

SCIC thoái vốn, miếng ngon khó buông

Ngày 8/10/2015, với Đề án tái cơ cấu SCIC, Chính phủ đã thống nhất thông qua việc thoái vốn khỏi một loạt doanh nghiệp tên tuổi. Tuy nhiên, sau gần nửa năm chủ trương được thông qua, tình hình thoái vốn của SCIC gần như vẫn đang "dậm chân tại chỗ".

SCIC thoái vốn, miếng ngon khó buông

Vinamilk – con gà đẻ trứng vàng của SCIC với giá trị cổ phần tính theo thị giá đã lên tới 3,5 tỷ USD

Níu giữ những con gà đẻ trứng vàng

Bên cạnh cái tên vốn gây rùm beng suốt một thời gian dài vừa qua là Vinamilk (VNM), các DN mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ phải thoái vốn còn có Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), Tái bảo hiểm Quốc Gia (VNR – Vinare), Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP), Khoáng sản Hà Giang (HGM), FPT, FPT Telecom, CTCP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID), Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC).

Ngoài VIID và FPT Telecom, 8 DN nằm trong danh sách nói trên đều là những DN hiện đang niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán. Chính vì vậy, thông tin thoái vốn của SCIC lại càng trở nên thu hút sự quan tâm của công chúng. Riêng Vinamilk – con gà đẻ trứng vàng của SCIC, giá trị cổ phần của SCIC tính theo thị giá đã lên tới 3,5 tỷ USD – một khoản tiền không hề nhỏ, ngay cả trong mối tương quan với ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, sau gần nửa năm chủ trương được thông qua, tình hình thoái vốn của SCIC gần như đang "dậm chân tại chỗ", không có nhiều tiến triển.

Công cuộc thoái vốn của SCIC trên thực tế đã được khởi động từ năm 2013 sau Quyết định 2344/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/12/2013. Tại thời điểm cuối năm 2014, giá trị khoản đầu tư dài hạn khác tại các DN của SCIC giảm sâu từ mức 23.740 tỷ đồng xuống còn 6.453 tỷ đồng trong 1 năm. Bù vào đó, giá trị khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng vọt từ mức 34.269 tỷ đồng lên 57.228 tỷ đồng, được cho là chuẩn bị cho việc thoái vốn theo chỉ định.

Cho đến báo cáo tài chính mới nhất được công bố, tại thời điểm cuối quý II/2015, giá trị khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của SCIC hầu như không biến động nhiều, giảm chưa đến 3.000 tỷ đồng so với con số đầu năm. Chứng tỏ trong nửa đầu năm SCIC thoái vốn chưa đáng kể. Tốc độ cũng không tăng lên nhiều vào nửa cuối năm 2015. SCIC cho biết, trong cả năm 2015, Tổng công ty đã thoái vốn và thu về gần 4.500 tỷ đồng từ hoạt động này. 

Miếng ngon… khó buông

Theo Quyết định số 2344, SCIC được phép giữ lại vốn tại 4 DN bao gồm Vinare, FPT Telecom, Dược Hậu Giang và Vinamilk. Thế nhưng, đến tháng 10/2015, chủ trương đã thay đổi gần như hoàn toàn khi 3 trong số 4 DN nói trên (ngoài Dược Hậu Giang) được chỉ định thoái vốn.

Không thể phủ nhận, không chỉ 3 DN nói trên, tất cả 10 DN mà SCIC sẽ phải thoái vốn đều được đánh giá tình hình kinh doanh khả quan, mang lại cho SCIC nguồn cổ tức đều đặn qua các năm.

Với một tổ chức có nguồn thu chính từ cổ tức, rõ ràng việc thoái vốn khỏi các DN đang hoạt động tốt chưa hẳn đã là mong muốn của tổ chức. Chưa kể, khi là đại diện của SCIC tại các DN này, những lãnh đạo của SCIC còn có tiếng nói đáng kể trong các quyết định sống còn, trực tiếp liên quan đến lợi ích cá nhân và tổ chức (lợi nhuận, thù lao…). 

Thiếu cơ chế

Với những DN đang niêm yết - có thể tính sơ bộ giá trị cổ phần SCIC nắm giữ theo giá thị trường, có tới 4 DN có quy mô vốn SCIC nắm giữ nghìn tỷ là Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong và FPT. Vinare và Bảo hiểm Bảo Minh có giá trị xấp xỉ nghìn tỷ.

SCIC thoái vốn đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng tiền tương đương cần được thị trường hấp thụ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc bán cả lô lớn và thỏa thuận ngoài sàn, hoặc bán đấu giá sẽ có lợi hơn, thu được số tiền cao nhất cho Nhà nước. Tuy nhiên, ai sẽ là người bỏ tiền ra mua khối lượng cổ phiếu có giá trị khổng lồ nói trên?

Để mở rộng đối tượng được mua cổ phần, các nhà đầu tư nước ngoài trở thành đích ngắm của các DN. Thế nhưng, với các DN niêm yết, việc khống chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) trở thành một rào cản rõ rệt.

Vinamilk, Nhựa Bình Minh, FPT đã kín room. Bảo hiểm Bảo Minh gần kín room. Nhựa Tiền Phong mặc dù nhà đầu tư nước ngoài mới nắm giữ hơn 35% vốn, nhưng chủ yếu do các cổ đông lớn của công ty này (trong đó có SCIC) chưa chịu bán cổ phần. Vì vậy, nới room ngoại là yêu cầu được đặt ra hết sức bức thiết, là bước hỗ trợ đầu tiên cho quá trình thoái vốn của SCIC.

Với riêng Vinamilk, DN đang được chú ý nhất hiện nay, đã tiến hành một loạt các biện pháp chuẩn bị cho quá trình nới room, trong đó có việc thay đổi ngành nghề kinh doanh, loại bỏ một số ngành nghề bị giới hạn…

Không chỉ bán trọn lô, phương án "tách lô" cũng được cân nhắc, nhằm hướng việc bán cổ phần Nhà nước nắm giữ cho từng đối tượng với những ưu đãi, cam kết khác nhau. Thế nhưng, phương án này cũng đang được tranh cãi và đặt ra nhiều vấn đề về cơ chế, quy định. Không thể ngày một, ngày hai mà hoàn thiện.

Như vậy là, sau 5 tháng, thị trường vẫn hồi hộp đón chờ từng động thái thoái vốn của ông lớn SCIC. Còn nhớ, cuối năm 2013, khi Quyết định 2344 được ban hành, thị trường đã từng kỳ vọng rất nhiều. Đề án Tái cơ cấu SCIC vào tháng 10/2015, vì vậy được đánh giá không mang lại những chuyển biến mới mẻ trong công tác thoái vốn của siêu tổng công ty này. 

Tin mới lên