M&A

Thị trường M&A Việt Nam: Chờ dòng vốn nóng từ Thái Lan

Dự báo sẽ có một luồng vốn rất lớn từ Thái Lan đổ vào Việt Nam trong thời gian tới thông qua hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A).

Thị trường M&A Việt Nam: Chờ dòng vốn nóng từ Thái Lan

Theo đánh giá của Nhóm nghiên cứu MAF, các xu hướng chính của thị trường M&A Việt Nam giai đoạn 2015-2016 và những năm tiếp theo vẫn tập trung vào một số ngành chủ đạo như: bán lẻ - hàng tiêu dùng, bất động sản, tài chính -ngân hàng.

Đáng chú ý là, thời gian tới, nhà đầu tư đến từ Thái Lan sẽ trở thành "kép chính" trong vai trò là bên mua lại các dự án, doanh nghiệp của Việt Nam.

Thương hiệu Thái Lan "nở hoa" trên đất Việt

Không phải đến bây giờ người ta mới nhận ra đối tác Thái Lan là một đối thủ "đáng gờm" trên thị trường M&A. Giai đoạn 2010-2011 đến nay, người Thái qua các tập đoàn như Charoen Pokphand, TCC Group, PTT, Xi măng Siam (SCG), BJC, Central Group... bằng con đường M&A hoặc đầu tư trực tiếp đã âm thầm tấn công vào các lĩnh vực bán lẻ, vật liệu xây dựng, khí đốt của Việt Nam.

 Đầu tiên phải kể đến SCG với thương vụ M&A gây xôn xao thị trường vào năm 2012 khi SCG bỏ ra 240 triệu USD mua lại 85% cổ phần Prime Group. Hiện SCG đang có gần 20 công ty con và công ty liên kết tại Việt Nam.

Tính đến ngày 30/6/2015, tổng giá trị tài sản của SCG tại Việt Nam đạt xấp xỉ 716 triệu USD... Trong 5 năm tiếp theo, SCG sẽ chi 6-8 tỷ USD cho các nước trong khu vực, trong đó, một phần lớn sẽ được rót vào Việt Nam.

Gây ấn tượng không kém là Berli Jucker Pcl (BJC) khi cuối năm 2014, tập đoàn này thông báo bỏ ra 879 triệu USD mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam. Trước đó, vào năm 2013, BJC đã mua lại 60 cửa hàng của Family Mart và mua cổ phần 65% tại Tập đoàn Thái An đang sở hữu mạng lưới gồm 200 nhà phân phối, 2.500 đại lý bán buôn và hàng ngàn nhà bán lẻ tại các chợ truyền thống.

Năm 2014, F&N Dairy Investments Pte Ltd (F&N), công ty con của BJC đã mua cổ phiếu của Vinamilk, nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 11,04%, đạt giá trị khoảng 591 triệu USD. Ông chủ của BJC còn ngỏ ý muốn nắm giữ 40% cổ phần tại Sabeco và định giá Sabeco khoảng 2,4 tỷ USD.

Ngoài ra, Central Group thông qua công ty thành viên Power Buy mua 49% cổ phần Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim, được định giá 200 triệu USD… cũng là thương vụ gây chú ý lớn.

Thống kê của HSBC Thái Lan cho thấy, các công ty Thái Lan đã tham gia ít nhất 377 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 6,7 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư đứng thứ 10 tại đây và đang cải thiện thứ hạng nhanh chóng. Đặc biệt, hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Ông Đặng Xuân Minh, Trưởng nhóm Nghiên cứu MAF nhận xét, xu hướng mua lại và thâu tóm từ các tập đoàn của Thái Lan thể hiện rõ trong năm 2014 - 2015 với thương vụ điển hình PowerBuy - Nguyễn Kim, BJC - Metro. Thông qua các thương vụ M&A trong lĩnh vực bán lẻ, nhà đầu tư Thái muốn tiếp cận và nắm thị trường phân phối tại Việt Nam.

Vì sao người Thái ưa bán lẻ, tiêu dùng?

Có thể thấy rõ rằng, lĩnh vực hợp khẩu vị trong các thương vụ của nhà đầu tư Thái Lan từ năm 2011 đến nay là bán lẻ, hàng tiêu dùng. Nguyên nhân vì Việt Nam đang là một thị trường tiềm năng rộng lớn cho lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng.

Theo dự báo của Hãng nghiên cứu Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt doanh số 100 tỷ USD/năm vào năm 2016.

Làn sóng M&A của người Thái thâu tóm lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng là nhằm đón đầu cơ hội khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, cũng như việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nhận xét, nhà đầu tư Thái Lan đang tăng cường mua chuỗi siêu thị, nỗ lực hết sức nhằm đón đầu những cơ hội do AEC mang lại khi hàng hóa Thái Lan vào Việt Nam sẽ có mức thuế suất bằng 0%.

Theo nhận xét của ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc điều hành của HSBC tại Việt Nam, trong 5 năm tới, các tập đoàn lớn của Thái Lan sẽ biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất để tái xuất khẩu các sản phẩm của Thái Lan sang các nước khác, do Việt Nam có lực lượng lao động giá rẻ có tay nghề.

Có thể thấy rằng, thời quan qua, Việt Nam đã đón một dòng vốn lớn đến từ các tập đoàn lớn của Thái Lan với tốc độ thâu tóm nhanh, mạnh mẽ. Các nhà đầu tư Thái Lan chưa cho thấy có dấu hiệu dừng lại.

Ngoài lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng mà họ đã và đang tiến hành mua lại, một số lĩnh vực khác cũng đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư Thái Lan như dầu khí, hạ tầng – giao thông, nông nghiệp…

Những tín hiệu trên cho thấy, Việt Nam đang vẫn là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn từ Thái Lan. Rất có thể trong ngắn hạn, thị trường M&A sẽ tiếp tục được chứng kiến những thương vụ M&A "bom tấn" mà nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục giữ vai trò là bên mua.

Tin mới lên