M&A

Trung Quốc: Hoạt động M&A phá kỷ lục của cả năm 2015

Trong vòng chưa đến sáu tháng của năm nay, "cơn khát" của những công ty ở Trung Quốc đối với các tài sản nước ngoài như bất động sản, hóa chất và công nghệ cao đã vượt kỷ lục của năm ngoái.

Trung Quốc: Hoạt động M&A phá kỷ lục của cả năm 2015

Trung Quốc: Hoạt động M &A nửa đầu năm nay phá kỷ lục của cả năm ngoái. Ảnh: reuters

Vụ Tập đoàn hóa chất quốc gia Trung Quốc chào mua nhà sản xuất thuốc trừ sâu Syngenta của Thụy Sỹ với giá 43 tỷ USD đã chiếm gần 40% tổng giá trị các thỏa thuận thâu tóm và sáp nhập (M&A) là 111,6 tỷ USD của năm nay. Nhưng kể cả không có thương vụ này, hoạt động này cũng đã gia tăng.

Tuy nhiên, các giám đốc ngân hàng và luật sư cho rằng có thể tốc độ sẽ chậm lại trong nửa cuối năm, khi người mua ở Đại lục vấp phải những lo ngại lớn hơn ở trong nước và nước ngoài.

China International Capital Corp - ngân hàng đầu tư lớn nhất nước này - nhận định giá trị các vụ M&A ở nước ngoài có thể đạt 150 tỷ USD trong năm nay.

Một số thương vụ trong lĩnh vực công nghệ gần đây đã vấp phải sự phản đối và điều này có thể khiến các doanh nghiệp thận trọng.

Một ví dụ là việc Midea Group Co của Trung Quốc dạm mua hãng sản xuất robot công nghiệp Kuka của Đức đã gây ra tranh cãi ở Đức, khiến tập đoàn của Trung Quốc phải đưa ra một số đảm bảo về việc giữ việc làm và các cơ sở sản xuất ở Đức.

Trong khi đó, Giám đốc phụ trách tài chính doanh nghiệp của ING Bank, David Wu, cho rằng các hoạt động M&A sẽ tiếp tục gia tăng nhưng không duy trì được tốc độ của quý I/2016.

Các luật sư nói rằng Cục Ngoại hối Nhà nước, cơ quan quản lý số ngoại tệ dự trữ 3.190 tỷ USD đang giám sát dòng tiền chảy ra khá thận trọng.

Mong muốn hạn chế dòng chảy ngoại tệ dự trữ ra nước ngoài có thể hãm phanh hoạt động M&A, khi dự trữ ngoại tệ giảm hơn 500 tỷ USD vào năm ngoái.

Theo số liệu của Thomson Reuters, năm 2015, có 632 thỏa thuận mua bán đã được thông báo, trị giá 111,5 tỷ USD.

Các thương vụ đã được hoàn tất, tức là các ngân hàng đã được trả phí, vào năm ngoái có giá trị 73 tỷ USD, so với con số 45,6 tỷ USD tính đến thời điểm này của năm nay.

Sau nhiều năm tập trung vào nền kinh tế đang bùng nổ ở trong nước, các công ty Trung Quốc đang ngày càng quan tâm hơn đến việc đa dạng hóa nguồn thu khi tăng trưởng kinh tế trong nước giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm.

Các công ty nhà nước và tư nhân của nước này cũng đang chú trọng đến việc nâng cao năng lực chế tạo bằng công nghệ của nước ngoài.

Tin mới lên