M&A

Về tay người Thái, Holcim Việt Nam đổi tên thành INSEE

Thương hiệu xi măng quen thuộc Holcim tại Việt Nam đã chính thức đổi tên thành INSEE sau khi được tập đoàn Siam City Cement (SCCC) mua lại năm ngoái.

Về tay người Thái, Holcim Việt Nam đổi tên thành INSEE

Nhà máy xi măng của Holcim Việt Nam - nay là INSEE tại Hòn Chông, Kiêng Giang.

Thương vụ bán lại toàn bộ 65% vốn pháp định tại Holcim Việt Nam của Tập đoàn LafargeHolcim (Thụy Sỹ) cho Tập đoàn Siam City Cement (Thái Lan) diễn ra hồi tháng 8/2016. Đến hôm 28/2 vừa qua, Holcim Việt Nam chính thức công bố đổi tên công ty và thương hiệu, trở thành Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam với thương hiệu INSEE. Như vậy, với sự thay đổi này, thương hiệu Holcim chính thức chia tay thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Công Minh Bảo – Giám đốc phát triển bền vững của Siam City Cement Việt Nam cho biết, từ nay, toàn bộ sản phẩm thương hiệu Holcim sẽ được thay bằng INSEE. Tuy nhiên, các mối quan hệ với đối tác, khách hàng và các bên hữu quan vẫn giữ nguyên như thời Holcim Việt Nam.

Tập đoàn Siam City Cement (SCCC) được thành lập năm 1969, bắt đầu sản xuất xi măng vào năm 1972 và được niêm yết trên sàn chứng khoán năm 1977. SCCC chuyên cung cấp các sản phẩm xi măng, cốt liệu và giải pháp xây dựng. SCCC hiện là một trong những nhà sản xuất xi măng lớn nhất Thái Lan. Đến nay, trong chiến lược phát triển của mình, tập đoàn đang tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ra nhiều nước trong khu vực như: Indonesia, Cambodia, Bangladesh, Sri Lanka và Việt Nam.

Trong khi đó, Holcim Việt Nam được LafargeHolcim thành lập vào năm 1994. Cho đến nay, dây là một trong số doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất vật liệu xây dựng và quản lý chất thải tại miền Nam Việt Nam. Tại thời điểm đổi tên thương hiệu thành INSEE, công ty có hơn 1.100 nhân viên đang làm việc tại 5 nhà máy xi măng và các trạm trộn bê tông tại TP HCM.

Thời gian gần đây, các tập đoàn vật liệu xây dựng Thái Lan liên tục đẩy mạnh đầu tư sang các nước lân cận trong Đông Nam Á. Cùng với SCCC, SCG – một tập đoàn đa ngành mà thế mạnh cũng là vật liệu xây dựng đang có hàng loạt dự án mới. SCG vừa đầu tư xong nhà máy xi măng tại Myanmar với sản lượng 1,8 triệu tấn mỗi năm và nhà máy giấy kraft thứ 2 tại Việt Nam với sản lượng 243.000 tấn mỗi năm, nâng tổng sản lượng lên đến 489.000 tấn mỗi năm. Cả hai nhà máy đã bắt đầu sản xuất vào đầu năm 2017, trong khi nhà máy xi măng tại Lào đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm.

"Trong khu vực ASEAN, chúng tôi tiếp tục thực hiện các chiến lược kinh doanh kết hợp với củng cố thương hiệu SCG. SCG tin rằng thị trường khu vực đang rất triển vọng, với tăng trưởng vượt trội từ chính sách đầu tư của chính phủ cũng như mức tiêu thụ trong nước và hoạt động thương mại giữa các nước ASEAN", ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành tập đoàn SCG nhận xét.

Tại Việt Nam, đến hết năm 2016, tổng tài sản của SCG đạt hơn 21.100 tỷ đồng (943 triệu USD), tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015. 6 tháng cuối năm 2016, doanh thu bán hàng của SCG đạt hơn 7.600 tỷ đồng (348 triệu USD).

Tin mới lên