Tài chính

Mảng F&B thụt lùi, Masan dồn kỳ vọng vào MSR và Techcombank

(VNF) – Tập đoàn Masan vừa khởi đầu năm 2017 bằng kết quả kinh doanh quý I kém sắc. Mảng thực phẩm và đồ uống (F&B) vốn nhiều năm luôn là "gà đẻ trứng vàng" của Masan, nay lại bất ngờ giảm đột ngột cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Mảng F&B thụt lùi, Masan dồn kỳ vọng vào MSR và Techcombank

Doanh thu mảng thực phẩm và đồ uống của Masan giảm mạnh trong quý I/2017 là do lượng hàng tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán thấp hơn dự báo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn – vốn là ưu thế của Masan

Báo cáo tài chính quý I/2017 của Masan ghi nhận 2.010 tỷ đồng doanh thu từ mảng F&B, giảm tới 27,7% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, kết quả kinh doanh của bộ phận này giảm xuống chỉ còn vỏn vẹn 9,4 tỷ đồng, thua xa con số 282,9 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016. Còn nhớ, năm 2016, mảng này vẫn là trụ cột của Masan khi đem về kết quả kinh doanh cao nhất với 2.661 tỷ đồng.

Theo lý giải của phía Masan, doanh thu mảng F&B giảm 27,7% là do lượng hàng tiêu thụ thấp hơn dự báo trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đặc biệt là ở khu vực nông thôn – vốn là ưu thế của Masan.  

Phía Masan cho biết, hiện tập đoàn đã tiến hành xả hàng tồn từ đợt Tết Nguyên đán trên nhằm tối ưu hệ thống cho tăng trưởng nửa cuối năm 2017 và trong trung hạn.

Tình cảnh ở mảng F&B cũng xảy ra ở mảng nông nghiệp tiêu dùng, dù với mức độ nhẹ hơn. Nếu như năm 2016, doanh thu mảng nông nghiệp tiêu dùng của Masan tăng tới 73,8% thì quý I/2017, con số này chỉ vỏn vẹn 3,3%, đạt 5.353 tỷ đồng. Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý I/2017 của mảng nông nghiệp tiêu dùng đạt 377 tỷ đồng, giảm 3,3%.

Theo lý giải của Masan, trong quý I/2017, sản lượng toàn ngành thức ăn cho heo giảm 20% so với cùng kỳ năm 2016 do lượng cung vượt quá mức, điều này khiến tổng sản lượng thức ăn cho heo của Masan giảm xấp xỉ 4%. Doanh thu thuần quý I/2017 tăng trưởng so với cùng kỳ 2016 chủ yếu là do mảng thức ăn gia cầm tăng trưởng 25,6%.

Tuy vậy, vẫn còn điểm sáng trong bức tranh thức ăn chăn nuôi của Masan khi dòng sản phẩm Bio-zeem vẫn tăng trưởng khoảng 15% về doanh thu thuần.

Mảng F&B thụt lùi, mảng nông nghiệp tiêu dùng cũng "dậm chân tại chỗ", kỳ vọng của Masan đổ dồn về Masan Resources (MSR) và Techcombank.

Quý I/2017, doanh thu thuần của MSR đạt 1.175 tỷ đồng, tăng tới 45,8% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó 631 tỷ đồng doanh thuần là từ mảng Vonfram (chiếm 53,7%), 286 tỷ đồng đến từ mảng Fluorit (chiếm 24,3%), 178 tỷ đồng đến từ mảng Đồng (chiếm 15,1%), 6,9% còn lại là từ mảng Bismuth.

Song song với tăng trưởng ấn tượng về doanh thu, lợi nhuận của MSR cũng có sự cải thiện rõ rệt khi ghi nhận mức lãi trước thuế 35 tỷ đồng trong quý I/2017, khác xa mức lỗ 400 triệu đồng cùng kỳ năm 2016. Dù vậy, mức lãi này vẫn còn rất khiêm tốn khi so với tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Masan hiện lần lượt ở mức 26.457 tỷ đồng và 11.753 tỷ đồng.

Với Techcombank, quý I/2017, ngân hàng này đạt 1.324 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2016. Masan hiện đang là cổ đông lớn nhất của Techcombank với lợi ích kinh tế thực tế tại Techcombank ở mức 30,7%, trong đó 15,8% thông qua lợi ích trực tiếp và gián tiếp của vốn chủ sở hữu và 14,9% thông qua trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 10 năm phát hành bởi Techcombank mà Masan đã đồng ý chuyển đổi một cách bắt buộc và không hủy ngang.

Từ khoá: Masan, mảng F&B, Masan, MSR, Techcombank,
Tin mới lên