Tài chính

Masan: Lãi 8.561 tỷ đồng vẫn "lỗi hẹn cổ tức"

(VNF) - Masan sẽ không thực hiện chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu trong năm 2015 từ 8.561 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân bổ.

Masan: Lãi 8.561 tỷ đồng vẫn "lỗi hẹn cổ tức"

Mặc dù kết thúc năm tài chính 2015 ở mức trên 8,561 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, tăng hơn 3,000 tỷ đồng so với đầu năm nhưng thêm một lần Masan lỗi hẹn cổ tức với cổ đông.

Lãi lớn vẫn không chia cổ tức

CTCP Tập đoàn Masan mới đây đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 với mục tiêu tăng trưởng doanh thu thuần từ 37-47%.

Theo đó, Masan sẽ không thực hiện chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu trong năm 2015 từ 8.561 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân bổ mà thay vào đó là kế hoạch kinh doanh từ 42.000 đến 47.000 tỷ đồng doanh thu thuần và  1.900 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty mẹ năm 2016.

Kèm theo đó là các khoản đầu tư lớn vào tài sản cố định theo kế hoạch năm 2016 dự kiến khoảng 2,200 - 2,400 tỷ đồng  và gia hạn phát hành tối đa 9.000.000 cổ phần mới cho Jade Dragon(Mauritius) Limited ("JDML") và/hoặc các công ty liên kết của JDML. 

Kế hoạch này không bao gồm các thương vụ M&A tiềm năng, vốn phụ thuộc vào điều kiện thị trường và tùy theo cơ hội có thể năm bắt.

Như vậy, đây đã là năm thứ 6 liên tiếp Masan không tiền hành trả cổ tức cho cổ đông. 

Đảm bảo giá trị tương lai tốt hơn cho cổ đông

Nhớ lại tại Đại hội cổ đông năm ngoái, trả lời thắc mắc của cô đông về việc không chia cổ tức trong khi khoản lợi nhuận chưa phân phối lên đến hơn 7.000 tỷ đồng, đại diện HĐQT Masan cho biết, thị trường Việt Nam có nhiều biến động, lúc lên lúc xuống, ai nắm tiền mặt nhiều sẽ là người có cơ hội. 

Vị này cũng cho biết muốn đảm bảo giá trị tương lai tốt hơn cho cổ đông trước khi trả lại giá trị cho cổ đông. 

Sau một năm, khi lợi nhuận và vị thế của Masan ngày càng tăng lên trong các lĩnh vực đã đầu tư, tức giá trị tương lai đã tốt hơn thì giá trị của cổ đông vẫn thêm một lần bị "khất". 

Năm 2015 cũng có thể coi là một năm đầu tư thành công của Masan khi tập đoàn này đã tiến hành một loạt thương vụ đầu tư quan trọng, trong đó có cả việc nhận khoản đầu tư từ Singha Asia Holding Pte Ltd với 650 triệu USD.

Đó là sự xác thực mạnh mẽ cho các giá trị chiến lược, nền tảng và tiềm năng tăng trưởng của Masan khi Masan sẽ tiếp tục cùng với Singha phát triển các mảng kinh doanh của mình không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực ASEAN đất liền.

Triển vọng tốt hơn và sẽ hết "lỗi hẹn cổ tức"?

Ngành Bán lẻ và Thực phẩm & Đồ uống (F&B) đang được xem là hai ngành hấp dẫn nhất của đầu tư tư nhân ở Việt Nam. Kết quả này được Grant Thornton khảo sát về xu hướng đầu tư tư nhân ở Việt Nam năm 2016, được chọn lần lượt bởi 51% và 41% người tham gia. 

Còn theo công ty tư vấn toàn cầu A.T.Kearney có trụ sở tại Chicago, Việt Nam là quốc gia có ngành bán lẻ được xếp thứ 28 trên thế giới xét về độ hấp dẫn. Dân số đông cùng với sự gia tăng tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa nhanh đang làm thay đổi thói quen mua sắm. 

Đây sẽ là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng, dự báo đạt mức tăng trưởng kép 13% năm trong giai đoạn 2015 – 2018 dù đã và đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây (9% năm 2015). 

Triển vọng lạc quan cho nghành bán lẻ trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô khá ổn định cùng với việc thâm nhập được vào thị trường Thái Lan và các nước Asian thông qua đối tác chiến lược Singha, các lĩnh vực ngoài hàng tiêu dùng kinh doanh khả quan, Masan nhiều khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2016. 

Câu hỏi đặt ra là nếu hoàn thành mục tiêu, liệu Masan có thêm một lần lỗi hẹn cổ tức với Cổ đông? Nếu không, Masan sẽ là một cổ phiếu VIP dành cho các tổ chức và những nhà đầu tư muốn tìm đến giá trị tương lai bền vững. 

Còn với số ít cổ đông còn lại, ngoài việc trông chờ giá cổ phiếu tốt hơn để hi vọng có lợi nhuận, họ sẽ không tìm thấy được giá trị hiện hữu nào trong tài khoản của họ.

Tin mới lên