Tài chính

'Mất quyền 'ông chủ' nên doanh nghiệp chậm chuyển giao vốn nhà nước'

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, gần 2 năm sau khi Thủ tướng Chính phủ đốc thúc các bộ, ngành, địa phương chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC, đến nay tiến độ chuyển giao vốn vẫn rất chậm chạp.

'Mất quyền 'ông chủ' nên doanh nghiệp chậm chuyển giao vốn nhà nước'

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)

- Trước thực tế nhiều bộ, ngành, địa phương không muốn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp về SCIC, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đốc thúc. Thưa ông, các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ đạo này đến đâu?

Tính từ năm 2011 đến nay, chúng tôi mới tiếp nhận được 94 doanh nghiệp lớn nhỏ, với giá trị vốn nhà nước trên sổ sách kế toán là 2.700 tỷ đồng. Trước thực trạng bàn giao vốn nhà nước chậm chạp, ngày 11/5/2015, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có Công văn 655/TTg-ĐMDN yêu cầu bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao, phối hợp với SCIC khẩn trương chuyển giao vốn.

Tiến trình chuyển giao vốn nhà nước về SCIC vẫn vô cùng chậm chạp, nên ngày 12/12/2016, một lần nữa, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã ra văn bản đốc thúc (Công văn 2225/TTg-ĐMDN) yêu cầu phải thực hiện chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước về SCIC chậm nhất là vào cuối quý I/2017. Thế nhưng, đã gần hết tháng 4/2017, chúng tôi mới tiếp nhận thêm 4 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước chỉ có 273 tỷ đồng.

- Cụ thể còn bao nhiều doanh nghiệp nữa phải chuyển giao vốn về SCIC?

Chúng tôi đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương, lập danh sách doanh nghiệp phải chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước. Tổng số có 61 doanh nghiệp phải chuyển giao vốn.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, trong Công văn 655/TTg-ĐMDN, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương phải thay thế người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp nếu không phối hợp, làm ảnh hưởng đến tiến độ chuyển giao. Tôi cũng không biết đã có người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp nào bị thay thế hay chưa, chỉ biết rằng, đến nay chúng tôi mới tiếp nhận được 15 trong tổng số 61 doanh nghiệp trong danh sách phải chuyển giao, vẫn còn 46 đơn vị nữa.

- Chắc phải có những lý do nào đó?

Nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo sát sao việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC. Một số bộ, ngành, địa phương muốn giữ lại doanh nghiệp để quản lý hoặc tiến hành bán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đang là "ông chủ" doanh nghiệp, mai phải chuyển giao quyền "làm chủ" cho người khác nên nhiều bộ, ngành, địa phương không sốt sắng. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân nữa là trong số doanh nghiệp phải chuyển giao có một số doanh nghiệp hoạt động đặc thù nên bộ, ngành, địa phương đề nghị giữ lại.

- Dù sao thì số lượng doanh nghiệp phải chuyển giao vốn không còn nhiều (46 đơn vị), từ nay đến cuối năm chắc sẽ hoàn thành?

Số 46 doanh nghiệp chưa chuyển giao vốn về SCIC là thuộc đối tượng phải chuyển giao theo Nghị định 151/2013/NĐ-CP và Thông tư 118/2014/TT-BTC. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, rà soát lại đối tượng phải chuyển giao vốn về SCIC, thì danh sách phải chuyển giao thêm 176 đơn vị nữa. Như vậy, từ nay đến năm 2020, tổng số doanh nghiệp phải chuyển giao vốn về SCIC nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là trên 220 đơn vị, gấp hơn 2 lần tổng số doanh nghiệp đã chuyển giao từ năm 2011 đến nay.

Trong Công văn 2225/TTg-ĐMDN, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, một mặt, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao vốn về SCIC theo đúng tinh thần Công văn 655/TTg-ĐMDN; mặt khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất hướng xử lý đối với doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao về SCIC (176 đơn vị), nhưng SCIC và các bộ, ngành, địa phương chưa thống nhất được, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Theo tôi được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương rà soát lại danh sách 176 doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao, nhưng chưa chuyển giao và đề xuất Thủ tướng hướng xử lý cụ thể: doanh nghiệp nào phải chuyển giao, doanh nghiệp nào vẫn để bộ, ngành, địa phương làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Hiện tại chưa có danh sách chính thức, nên chúng tôi phải chờ.

Hy vọng, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình và Thủ tướng có quyết định cuối cùng về danh sách doanh nghiệp phải chuyển giao vốn thì công tác chuyển giao sẽ thuận lợi hơn.

- Với những doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, việc chuyển giao vốn chắc không gặp nhiều vướng. Nhưng với doanh nghiệp quy mô lớn, "con gà đẻ trứng vàng" việc chuyển giao không hề đơn giản, thưa ông?

Theo Quyết định 58/2017/QĐ-TTg thì Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp, số còn lại phải cổ phần hóa. Với doanh nghiệp độc lập trực thuộc bộ, ngành, địa phương thì phải tự động chuyển quyền đại diện vốn nhà nước về SCIC ngay sau khi cổ phần hóa theo đúng quy định tại Thông tư 118/2014/TT-BTC. Tuy nhiên, với tập đoàn, tổng công ty thì theo Nghị định 151/2013/NĐ-CP, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước cho SCIC được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện tại, Thủ tướng chưa có quyết định chuyển quyền đại diện vốn nhà nước Habeco, Sabeco và nhiều tập đoàn, tổng công ty về SCIC, nên các bộ, ngành, địa phương vẫn làm đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, Vinatex, VNsteel, một số tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco)… đã có quyết định chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn về SCIC, nhưng vẫn chưa thực hiện được.

SCIC cũng chỉ là một doanh nghiệp, không phải là "cấp trên", không phải là cơ quan chủ quản của doanh nghiệp, nên không có quyền bắt doanh nghiệp phải chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước, mà chúng tôi chỉ có thể báo cáo, đề nghị bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện chuyển giao vốn theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tin mới lên