Tài chính tiêu dùng

Mặt trái của nền kinh tế không tiền mặt

Nền kinh tế không dùng tiền mặt (cashless/non-cash) đang được cổ vũ và tăng tốc ở nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh nhiều lợi ích không thể phủ nhận mà sự chuyển đổi này mang lại, vẫn có một số hệ lụy cần được chú ý để tìm giải pháp thích ứng.

Mặt trái của nền kinh tế không tiền mặt

Ảnh minh họa.

Không dùng tiền mặt: cuộc đua nước rút trong nền kinh tế số hóa

Sự phát triển nhanh chóng của Internet, tốc độ truyền dữ liệu, điện thoại thông minh... đang thúc đẩy sự chuyển đổi sang nền kinh tế không dùng tiền mặt ở nhiều nơi trên thế giới như một cuộc đua nước rút. Quá trình này đem lại nhiều lợi ích, cho chính phủ, ngân hàng trung ương đến doanh nghiệp, nhất là các công ty công nghệ và công ty cung cấp thẻ thanh toán.

Cụ thể, chính phủ sẽ kiểm soát tốt hơn việc trốn thuế cũng như các dòng tiền bất hợp pháp. Ngân hàng trung ương kiểm soát tốt hơn lượng cung tiền, từ đó có chính sách tiền tệ phù hợp hơn. Doanh nghiệp thì giảm chi phí cũng như rủi ro giữ tiền mặt, hay những nút nghẽn thanh toán trong chuỗi cung ứng sẽ được giải quyết.

Nhiều nước trên thế giới đã tiến rất nhanh trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế không dùng tiền mặt. Trong nhóm các nước đứng đầu, có thể kể đến là Canada, Thụy Điển, Anh, Pháp, Mỹ và Trung Quốc. Một khảo sát của MasterCard năm 2013 cho thấy 90% tổng giá trị tiêu dùng ở Canada thanh toán không dùng tiền mặt. Và trong một khảo sát mới đây, 50% người dân Canada cho biết họ đã sẵn sàng không dùng tiền giấy và tiền xu. 

Trong khi đó, tại Thụy Điển, chỉ khoảng 1% giá trị thanh toán trong năm vừa qua là dùng tiền mặt. Ngày càng có nhiều hơn các hàng quán ở Thụy Điển treo biển báo "chúng tôi không nhận tiền mặt", và càng nhiều ngân hàng không thực hiện các giao dịch tiền mặt.

Tăng tốc nhanh nhất có lẽ là Trung Quốc. Việc thanh toán qua điện thoại thông minh được thực hiện ở mọi ngõ ngách tại Trung Quốc. Chỉ trong quí III/2017, hệ thống Alipay và WeChat Pay ghi nhận 4.500 tỷ USD giao dịch, gấp 3,3 lần cùng kỳ năm trước. Việc chuyển tiền từ ứng dụng trên điện thoại di động dễ dàng và phổ biến đến mức nhiều người ăn xin ở Trung Quốc cũng có QR code, thậm chí tại nhiều đám cưới, tiền mừng cũng được chuyển qua điện thoại di động.

Nhiều công ty công nghệ nắm được xu thế, phát triển nhiều sản phẩm và dịch vụ để thúc đẩy nhanh tiến trình này. Các loại tiền mã hóa (crypto currency), token trên nền tảng blockchain được phát hành như nấm sau mưa. Các công ty cung cấp thẻ ngân hàng cũng không bỏ qua cơ hội này. 

Tập đoàn Visa mới đây còn có chương trình thưởng cho các cửa hàng nào chuyển hẳn sang không chấp nhận tiền mặt 10.000 USD để thúc đẩy quá trình chuyển đổi thực hiện nhanh chóng hơn.

Nhiều lợi ích nhưng cũng có phản ứng phụ

Chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt cũng gặp phải vấn đề thông tin cá nhân (privacy) và an toàn (security). Khi chính phủ và các định chế tài chính, công nghệ nắm toàn bộ thông tin cá nhân, bao gồm tình hình tài chính thì nỗi lo "Big Brother" không phải là không có cơ sở. 

Chuyển sang dùng thẻ hay các loại hình thanh toán trên điện thoại thông minh cũng không tránh được rủi ro mất cắp. Thông tin thẻ ngân hàng hay tài khoản thanh toán trên môi trường số hóa là mục tiêu của các hacker mũ đen, đòi hỏi tăng cường khả năng bảo mật của không chỉ cá nhân người sử dụng mà cả nhà cung cấp dịch vụ (ngân hàng, công ty cung cấp cổng thanh toán).

Khi chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, những người làm nghề dịch vụ có một phần thu nhập là "tiền típ" bị ảnh hưởng rõ ràng nhất. Ở nhiều nước, nhất là ở đô thị, những người giữ cửa, chuyển hành lý trong khách sạn, phục vụ trong các nhà hàng, tài xế taxi, thợ cắt tóc, làm móng tay, chân, giao hàng... giờ đây nhiều khả năng mất đi nguồn thu nhập này. Thường khi sử dụng tiền mặt, người ta dễ dàng "típ" khoản tiền được thối lại, nhưng khi trả bằng thẻ, họ lại dễ dàng bỏ qua.

Đối với những người nghèo, chuyển đổi qua thanh toán không dùng tiền mặt thực sự là một khó khăn, vì các khoản chi tiêu của họ không nhiều, chi phí để sử dụng công nghệ có khi là quá đắt với họ. Hàng triệu người nghèo ở Ấn Độ, đã mở các tài khoản ngân hàng theo chương trình của chính phủ nhưng sau đó không sử dụng vì các ngân hàng luôn tìm cách thu phí các giao dịch hay các dịch vụ. 

Việc thanh toán không dùng tiền mặt đòi hỏi người sử dụng phải có ít nhất một tài khoản ngân hàng, nhưng đối với nhiều người, việc mở được tài khoản là hết sức khó khăn vì không đáp ứng được điều kiện về thu nhập, chỗ ở ổn định của ngân hàng.

Thanh toán không dùng tiền mặt còn có thể khiến người tiêu dùng không kiểm soát được chi tiêu của mình. Khoa học đã chứng minh rằng, khi chi tiêu bằng tiền mặt, con người sẽ "xót" hơn, và sẽ kiểm soát lại hành vi chi tiêu của mình. 

Lời khuyên về quản lý chi tiêu cá nhân/gia đình cũng thường nhắc đến việc chi tiêu bằng tiền mặt để biết lượng tiền đã chi trong tháng hay tuần, từ đó có điều chỉnh cho phù hợp với ngân sách. Còn nếu chi tiêu qua thẻ hay các hình thức không bằng tiền mặt khác, rất dễ chi vượt mức ngân sách đã dự trù.

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong nền kinh tế số hóa. Nhiều giải pháp, ứng dụng đã và đang được đưa ra để hạn chế những phản ứng phụ của sự chuyển đổi này. Chẳng hạn vấn đề quyền riêng tư, bảo mật, an toàn được luật hóa và thay đổi liên tục để phù hợp với thực tiễn. Công nghệ bảo mật ngày càng được chú trọng và phát triển. 

Các ứng dụng chuyển tiền giữa cá nhân với cá nhân, quản lý tài chính cá nhân xuất hiện càng nhiều. Chỉ còn điều khó còn lại: giảm số người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ ngân hàng (không hẳn là có tài khoản ngân hàng) với chi phí thấp nhất có thể.

(Võ Đình Trí - Đại học Kinh tế TP. HCM, AVSE Global)

Tin mới lên