Tài chính

MB điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, SBV kỳ vọng lớn vào nhà máy mới

(VNF) – Theo thông tin mới nhất từ các công ty chứng khoán, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của MB đã được điều chỉnh lên 20%. Trong khi đó, tăng trưởng doanh thu của Siam Brothers gặp nhiều trở ngại trong nửa đầu năm nay. Cùng đó, tổng xuất khẩu của Vĩnh Hoàn đạt 180 tỷ đồng, tăng 36% trong quý 3/2017.

MB điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, SBV kỳ vọng lớn vào nhà máy mới

Trong tương lai, MB sẽ tiếp tục tăng trưởng trên mức bình quân ngành nhờ cơ cấu tài sản ưu việt và bộ máy lãnh đạo năng động, theo nhận định từ báo cáo mới đây của HSC

MB điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 20%

Theo Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) đã được điều chỉnh tăng lên 20% từ kế hoạch ban đầu là 16%. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc Ngân hàng Nhà nước đã tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng lớn nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt kế hoạch 21% theo đề xuất của Chính phủ cho năm nay.

MB có lợi thế đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hơn mức bình quân ngành nhờ tình hình tài chính và các hệ số an toàn lành mạnh.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, HSC cho biết tín dụng của MB đã tăng khoảng 15% so với đầu năm nhờ cho vay khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (tăng khoảng 20% so với đầu năm), và với tiến độ này, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này có thể đạt ít nhất 20% vào cuối năm. Đồng thời với các hệ số an toàn mạnh, có khả năng MB sẽ được phép đẩy tín dụng cao hơn mức 20%.

Hiện tại, MB sở hữu 2,9% thị phần cho vay

Ngoài ra, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mới, HSC cũng điều chỉnh dự báo lợi nhuận sau thuế cho năm 2017 sẽ tăng trưởng 34,8%, đạt 4.922 tỷ đồng so với dự báo trước đó là 29,1%, tương đương với 4.713,5 tỷ đồng. Sang năm 2018, HSC dự báo lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 21,8%, đạt 5.944,3 tỷ đồng.

Trong tương lai, MB sẽ tiếp tục tăng trưởng trên mức bình quân nhờ cơ cấu tài sản ưu việt và bộ máy lãnh đạo năng động. Hiện tại, MB sở hữu 2,9% thị phần cho vay. Ngân hàng này có thế mạnh trong cho vay khách hàng cá nhân và cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ từ nguồn huy động chi chi phí thấp nhờ tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn cho hơn mức bình quân, đạt 37%. MB vẫn luôn nghiêm ngặt trong các thủ tục cho vay và đã xử lý nợ xấu khá nhanh.

Siam Brothers ước tính sản lượng tiêu thụ năm 2017 tăng 18%

Theo báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tăng trưởng doanh thu của Công ty cổ phần Siam Brothers Việt Nam (SBV) gặp nhiều trở ngại trong 6 tháng đầu năm 2017 do công suất đã đạt mức tối đa từ cuối năm 2016. Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 2.759 tấn dây thừng, tăng 2,2%. Xuất khẩu chiếm 14% tổng sản lượng tiêu thụ. Doanh thu đạt 213 tỷ đồng, tăng 5,3%, tương ứng tăng giá 3% kể từ tháng 2/2017.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế về công suất sản xuất phát sinh từ thay đổi thị hiếu sản phẩm của người tiêu dùng. Hiện tại, thị trường đang chuộng loại dây thừng có đường kính nhỏ. Mẫu dây này lại không khớp với dây chuyền sản xuất hiện tại của Siam Brothers, được thiết kế sản xuất cho dây thừng có đường kính lớn. Điều này làm giảm công suất thực tế của các nhà máy hiện tại từ 10.000 tấn/năm xuống còn 7.500 tấn/năm.

Vấn đề này được kỳ vọng sẽ được điều chỉnh khi nhà máy thứ 4 của công ty này đi vào hoạt động, dự kiến bắt đầu trong tháng tới. Công suất nhà máy này sẽ bổ sung thêm 3.000 tấn, nâng tổng công suất lên 10.000 tấn/năm.

Thiết bị nhà máy được thiết kế đặc biệt để có thể sản xuất sản phẩm với đường kính nhỏ hơn, đáp ứng thị hiếu của thị trường hiện tại. Nhà máy này được miễn thuê 2 năm và giảm 50% thuế 2 năm tiếp theo, vì vậy Siam Brothers có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách chuyển hoạt động sản xuất cho nhà máy mới.

6 tháng đầu năm, Siam Brothers chỉ hoàn thành 36% kế hoạch doanh thu và 30% kế hoạch lợi nhuận trước thuế

Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp bị ảnh hưởng nhẹ do giá nguyên liệu đầu vào PE/PP tăng 6% trong 6 tháng đầu năm. Điều này dẫn đến biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 40,7% xuống còn 39,2% trong năm nay. Lợi nhuận gộp đạt 83,8 tỷ đồng, tăng 1,4%. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng tăng nhẹ dẫn đến lợi nhuận trước thuế thấp hơn năm ngoái, đạt 45 tỷ đồng, giảm 1,3%. Trong 6 tháng đầu năm, Siam Brothers chỉ hoàn thành 36% kế hoạch doanh thu và 30% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Theo SSI, Ban lãnh đạo Siam Brothers sẽ thúc đẩy doanh thu nửa cuối năm nay bằng cách chạy chiến dịch quảng cáo trùng thời điểm nhà máy thứ 4 bắt đầu hoạt động trong quý 4/2017. Cùng với việc nửa cuối năm là mùa cao điểm do các nhà phân phối dự trữ hàng tồn kho để bán vào đầu năm 2018, và nhà máy thứ 4 sẵn sàng nắm bắt thị hiếu đang thay đổi của khách hàng, SSI nhận định doanh thu cả năm 2017 vẫn khả quan. Theo đó, sản lượng tiêu thụ được ước tính sẽ tăng 18% và doanh thu ước tính đạt 614 tỷ đồng, tăng 20% trong năm 2017.

Vĩnh Hoàn ước tính xuất khẩu sang Mỹ sẽ phục hồi trong tháng này

Theo báo cáo gần đây của SSI, ngày 12/9 vừa qua, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) vừa tổ chức cuộc họp liên quan đến Chương trình giám sát cá da trơn. Đây là chương trình của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chính thức bắt đầu từ ngày 2/8/2017, một tháng trước khi đầy đủ các biện pháp chính thức áp dụng từ ngày 1/9/2017. Chương trình bao gồm tất cả các loại cá nhập khẩu và sản phẩm từ cá thuộc bộ Siluriformes (như cá da trơn, cá trê và cá tra).

Từ này 2/8/2017, tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Mỹ là cá và sản phẩm cá thuộc bộ Siluriformes bắt buộc kiểm tra qua Cơ quan Kiểm tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) bao gồm cá tra Việt Nam nhập khẩu và thị trường Mỹ. Theo Vĩnh Hoàn, các quy định quản lý chặt chẽ của ngành cá tra Việt Nam hiện nay giúp công ty này hoàn toàn tin rằng Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu chất lượng của FSIS.

Vình Hoàn vẫn duy trì tâm lý lạc quan và ước tính xuất khẩu sang Mỹ sẽ phục hồi trong tháng này, đạt tăng trưởng 16% vào cuối tháng.

Tháng trước, FSIS cho phép Vĩnh Hoàn xuất khẩu 198 trong số 320 container trong tháng, chiếm 62% tổng lượng xuất khẩu sang Mỹ. Phần còn lại vẫn đang được FSIS kiểm tra, dự kiến sẽ được cấp phép trong tháng này. Do đó, trong tháng trước, tổng xuất khẩu của Vĩnh Hoàn chỉ đạt 22,4 triệu USD, giảm 17%, trong khi tháng 6 và tháng 7/2017 tăng lần lượt 6% và 43%. Số liệu tăng vọt do các nhà nhập khẩu Mỹ dự trữ hàng tồn kho nhằm đảm bảo nguồn cung trước khi quy định của Mỹ chính thức có hiệu lực.

Mặc dù xuất khẩu cá tra chỉ đạt 18,3 triệu USD, giảm 26% trong tháng 8/2016, giảm 35% về sản lượng nhưng giá bán trung bình tăng 14%. Về mặt tích cực, giá bán trung bình tăng có thể giúp Vĩnh Hoàn cải thiện suất lợi nhuận gộp trong quý 3 và quý 4/2017 nhờ giá nguyên liệu cá tra ổn định và hỗ trợ lợi nhuận ròng.

Vĩnh Hoàn vẫn duy trì tâm lý lạc quan và ước tính xuất khẩu sang Mỹ sẽ phục hồi trong tháng này, đạt tăng trưởng 16% vào cuối tháng. Lũy kế trong quý 3/2017, tổng xuất khẩu của Vĩnh Hoàn đạt 180 tỷ đồng (tăng 36%). Công ty này vẫn duy trì kế hoạch lợi nhuận 600 tỷ đồng vào năm 2017. Trong 5 năm qua, Vĩnh Hoàn vẫn luôn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm.

Tin mới lên