Tài chính quốc tế

McKinsey - nhà tư vấn doanh nghiệp hàng đầu thế giới 'ngã ngựa'

(VNF) - McKinsey & Company vốn vẫn được biết đến như là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn quản lý và chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, dường như không phải lúc nào “người cha đỡ đầu” của các công ty cũng đi đúng hướng.

McKinsey - nhà tư vấn doanh nghiệp hàng đầu thế giới 'ngã ngựa'

McKinsey - Nhà tư vấn doanh nghiệp hàng đầu thế giới 'ngã ngựa'

Tập đoàn tư vấn với tuổi đời hơn 92 năm luôn là quân sư kịp thời cho các công ty hàng đầu từ Procter & Gamble cho đến American Express lẫn các cơ quan chính phủ Mỹ trong suốt hơn nửa thế kỷ qua với tầm ảnh hưởng lớn đến kinh ngạc. Số lượng CEO đến từ Fortune 500 từng được đào tạo bởi McKinsey nhiều hơn bất cứ công ty nào khác.

Sai lầm lớn nhất của McKinsey trong suốt toàn bộ lịch sử của mình là hợp đồng lớn nhất ở châu Phi. Hợp đồng tư vấn trị giá 700 triệu USD này được ký kết với công ty điện quốc gia Eskom của Nam Phi.

Trước đó, McKinsey đã cân nhắc rằng họ có nên tham gia vào món lợi khổng lồ này. Những rủi ro được đưa ra “bàn cân” là liệu công ty có giải quyết được vấn đề không? Liệu hợp đồng có thể được hoàn thành suôn sẻ mà không bị ảnh hưởng của tham nhũng chính trị tràn lan ở Nam Phi khi đó không? McKinsey cũng đã từng nhận được lời khuyên không nên nhận hợp đồng này từ ít nhất ba đối tác có ảnh hưởng hồi cuối năm 2015, thế nhưng, dường như ban lãnh đạo công ty đã không lắng nghe và ký kết với Eskom.

Dường như McKinsey đã không thể nhận ra đây sẽ là sai lầm lớn nhất trong lịch sử chín thập kỷ của mình. Hợp đồng nói trên sau khi điều tra được kết luận là bất hợp pháp, vi phạm pháp luật liên quan hợp đồng của Nam Phi. McKinsey đã bị lợi dụng cho chiêu rửa tiền khi một số các khoản thanh toán được chuyển đến một thành viên của gia đình Gupta gốc Ấn Độ giữa tâm bão của một vụ bê bối tham nhũng. Khoản tiền thanh toán dường như lớn quá sức tưởng tượng lại đến từ ngân sách nhà nước của một quốc gia có sự mất cân bằng thu nhập lớn nhất thế giới và lượng người thất nghiệp chiếm đến hơn 50%.

Ngoài ra, thù lao của McKinsey hoàn toàn dựa vào kết quả của công việc tư vấn. Tuy nhiên, Eskom, với sự hỗ trợ của McKinsey, dường như còn hoạt động tệ hơn trước. Vì vậy, một cuộc điều tra mở rộng về scandal tham nhũng tại các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có Eskom, đã được thực hiện bởi cơ quan chức năng Nam Phi. Cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và con trai bị cáo buộc đã thao túng các doanh nghiệp nhà nước để trục lợi cá nhân. Sau đó, ông này đã bị buộc phải từ chức. Vụ việc này đã gây rúng động cho không chỉ Nam Phi mà cả các nhà lập pháp toàn cầu.

Dù báo chí và truyền thông đã tốn không ít giấy mực vào vụ bê bối này, một câu hỏi lớn vẫn chưa có câu trả lời: Làm thế nào mà McKinsey, với tầm ảnh hưởng rộng lớn, thông tin nghiên cứu hoàn hảo và kinh nghiệm tư vấn dày dạn, lại có thể vướng vào một vụ scandal tồi tệ đến vậy?

Tập đoàn điện Eskom của Nam Phi đã khiến McKinsey vướng vào một sai lầm trị giá 700 triệu USD

McKinsey thừa nhận lỗi sai về đánh giá tình hình, trong khi phủ nhận sự liên quan đến việc làm phi pháp của Eskom, cho biết có hai đối tác cấp cao của công ty chịu trách nhiệm chính trong sự việc này. Tuy nhiên, theo một cuộc điều tra của tờ The New York Times, gốc rễ của vấn đề nằm ở sự thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp khiến công ty muốn tham gia vào nhiều hợp đồng tư vấn chính phủ. Điều này vừa giúp công ty có thể  tăng gấp đôi quy mô trong thập kỷ qua, nhưng cũng mang đến những rủi ro uy tín rất lớn.

Công ty này cũng bỏ qua cảnh báo về sự xuất hiện của những người không liên quan trong hợp đồng, đó chính là gia đình Gupta. Khi McKinsey nhận ra sự yếu kém trong quản lý rủi ro của mình cho các công ty nhà nước thì đã quá muộn. Điều đó đến từ sự thiếu hiểu biết và thiếu nhạy cảm với tình hình địa phương của những người có trách nhiệm giám sát.

CEO của McKinsey, Dominic Barton, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, đã nói rằng sẽ chịu trách nhiệm. "Đáng tiếc là chúng tôi đã “bỏ ngoài tai” những cảnh báo ban đầu về cuộc khủng hoảng”, ông nói.

Kể từ vụ bê bối Eskom, phần lớn hoạt động kinh doanh của McKinsey ở Nam Phi đã mất đi. Barton đã phải tới Nam Phi 6 lần để đánh giá thiệt hại và đền bù, và McKinsey đã phải yêu cầu 2.000 đối tác toàn cầu của mình hỗ trợ hoàn trả lại cho Nam Phi.

Vào cuối tháng 6, Dominic Barton sẽ rời khỏi vị trí CEO theo như nghị quyết của gần 600 đối tác cấp cao đã bỏ phiếu để thay thế Barton với Kevin Sneader. Cuối tuần qua, tờ The Financial Times đã cho xuất bản một cuộc phỏng vấn với ông Sneader, trong đó ông nói rằng McKinsey không còn có thể "trốn tránh áp lực từ bên ngoài."

Dominic Barton, CEO của McKinsey, đã tuyên bố 'chịu trách nhiệm' về ' sai lầm 700 triệu USD'

Trên thực tế, ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu của McKinsey là rất lớn, thậm chí còn hơn cả vụ bê bối của quỹ phòng vệ Galleon hơn một thập kỷ trước đó, khi mà một số lãnh đạo của McKinsey bị cáo buộc đã giao dịch nội bộ để trục lợi. McKinsey đã xây dựng hình ảnh một nhà cố vấn tuyệt vời cho không chỉ doanh nghiệp mà còn cả các chính phủ. Tuy nhiên, sau vụ Eskom, uy tín đó đã giảm sút đi khá nhiều.

Trong một tuyên bố, McKinsey thừa nhận đã "không cẩn thận tìm hiểu kỹ những đối tác và khách hàng của mình". Công ty cũng bày tỏ sự hối tiếc: "McKinsey vô cùng xấu hổ trước những sai sót này, và chúng tôi xin lỗi người dân Nam Phi, khách hàng và đồng nghiệp của chúng tôi – những người đã đặt trọn niềm tin vào McKinsey”.

Tin mới lên