Ngân hàng

Mô hình tăng trưởng truyền thống cản bước ACB giữa lúc ‘lành mạnh là lỗi thời’?

(VNF) - VCSC đưa ra một nhận định đáng chú ý về ACB: “Có một bảng cân đối kế toán lành mạnh là ‘lỗi thời’ trong bối cảnh năm 2018, các ngân hàng khác đẩy mạnh tăng trưởng”.

Mô hình tăng trưởng truyền thống cản bước ACB giữa lúc ‘lành mạnh là lỗi thời’?

ACB vẫn đang dựa trên mô hình tăng trưởng truyền thống, giữa lúc các ngân hàng hàng khác đã dồn rất nhiều nguồn lực vào các trụ cột mới như bancassurance, tài chính tiêu dùng, ngân hàng số...

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa đưa ra báo cáo đánh giá về Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Mở đầu báo cáo, VCSC đưa ra một nhận định đáng chú ý: “Có một bảng cân đối kế toán lành mạnh là ‘lỗi thời’ trong bối cảnh năm 2018, các ngân hàng khác đẩy mạnh tăng trưởng”.

VCSC cho hay, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, ACB đưa ra khái niệm fintech (công nghệ trong tài chính) là tương lai của ACB. VCSC cho rằng động thái tập trung vào fintech của ACB là tích cực, nhưng cách thức thực hiện của ngân hàng này vẫn truyền thống như thông qua M&A hoặc huy động nguồn lực đáng kể vào các mảng kinh doanh mới.

Theo VCSC, ACB hiện vẫn chưa thể thoát ra được hoàn toàn yếu tố tâm lý liên quan đến khoản nợ “Nhóm 6 công ty”.

VCSC đánh giá, bảng cân đối kế toán hiện tại của ACB thể hiện thanh khoản dư thừa.

Cụ thể, cho vay liên ngân hàng gia tăng 78% so với quý trước trong quý 1/2018 đồng nghĩa với việc thanh khoản của ngân hàng giảm xuống.

“Chúng tôi nghĩ diễn biến này một phần lý giải cho mức giảm 20 điểm cơ bản của tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) trong quý 1/2018 (so với trung bình nhóm Ngân hàng tư nhân tăng 7 điểm cơ bản). Vấn đề thanh khoản đến từ nhiều yếu tố, từ diễn biến bán cổ phiếu quỹ (trị giá khoảng 75 triệu USD theo giá đóng cửa ngày 22/6) và lượng nợ thứ cấp chưa được sử dụng”, VCSC nêu quan điểm.

VCSC cho rằng điều này làm tăng khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính nếu ban lãnh đạo ACB mong muốn.

Về mảng bán lẻ, VCSC đánh giá ACB và Vietcombank có chất lượng khách hàng bán lẻ tốt nhất với sự trung thành của khách hàng dù có thu phí bán lẻ, trong bối cánh các đối thủ lớn trong nước áp dụng chính sách phí “0 đồng”.

Thu nhập phí và dịch vụ quý 1/2018 của ACB tăng 42% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 4% so với quý trước.

“Mảng thẻ còn nhiều tiềm năng do ngân hàng không tích cực đẩy mạnh tín dụng thông qua kênh này, nhưng mảng kinh doanh này là yếu tố tạo ra lợi nhuận đáng kể, mang lại 18 triệu USD trong năm 2017 (34% phí và thu nhập ròng). Vấn đề hiện tại của mảng thẻ là thu nhập hầu hết đến từ phí giao dịch thay vì thu nhập từ lãi”, VCSC nhận định về mảng thẻ của ACB.

Đối với vấn đề cổ tức, ban lãnh đạo ACB sẽ không thanh toán cổ tức tiền mặt trong năm 2018 khi chờ đợi các hướng dẫn cụ thể hơn từ Ngân hàng Nhà nước về thời gian áp dụng Basel II.

“Chúng tôi do đó kỳ vọng ACB sẽ chia cổ tức tiền mặt trở lại từ năm 2019 trở đi, với 500 đồng/cổ phiếu”, VCSC cho biết.

Tin mới lên