Tài chính tiêu dùng

Mở rộng thị trường tài chính tiêu dùng

Thời gian gần đây, hoạt động cho vay tiêu dùng ngày càng phát triển với sự tham gia của nhiều công ty tài chính. Khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ này tại các trung tâm thương mại, cửa hàng điện máy, chuỗi hệ thống cửa hàng điện thoại... mà không phải đến phòng giao dịch của ngân hàng.

Mở rộng thị trường tài chính tiêu dùng

Nhân viên của Công ty tài chính FE CREDIT tư vấn mua trả góp điện thoại cho khách hàng.

Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với TS Đặng Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) về xu hướng mở rộng của thị trường tài chính tiêu dùng hiện nay.

- Ông đánh giá về thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay như thế nào?

TS Đặng Anh Tuấn: Theo quan điểm của tôi, tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tín dụng tiêu dùng đang tăng mạnh, góp phần duy trì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Trong đó, gần 50% tín dụng tiêu dùng tập trung vào cho vay sửa chữa nhà, mua nhà để ở với nguồn trả nợ là tiền lương của khách hàng vay. 

Theo số liệu do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia công bố năm 2016, tín dụng tiêu dùng cuối năm 2016 khoảng 605 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm, chiếm 11,4% tổng tín dụng.


TS Đặng Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng-Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh : Anh Việt 

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 43/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, quy định một cách rất cụ thể về cách thức hoạt động. Với sự ra đời của thông tư này, tôi cho rằng cơ sở pháp lý của việc cho vay tiêu dùng đã trở nên rõ ràng hơn, bảo vệ được lợi ích của người đi vay. 

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đang tích cực thành lập hoặc đi mua các công ty tài chính để mở rộng thị phần cho vay tiêu dùng của mình. Hiện tại, toàn hệ thống ngân hàng đang có 14 công ty tài chính và 12 công ty cho thuê tài chính.

- Sự cần thiết cho vay tiêu dùng và những thành công đã đạt được trong lĩnh vực này là gì, thưa ông?

Cho vay tiêu dùng là một chức năng rất tốt của hệ thống tài chính, bởi nó cho phép các chủ thể trong nền kinh tế có thể lựa chọn thời điểm để sử dụng thu nhập nhằm tiêu dùng một cách tốt nhất. 

Ngoài việc đem lại lợi ích thiết thực cho người sử dụng, sự ra đời của tín dụng tiêu dùng cũng sẽ góp phần hạn chế sự bùng phát của tín dụng đen trong thời gian qua. 

Theo quy định của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, hạn mức cho vay tiêu dùng là không quá 100 triệu đồng/khách hàng để mua hàng hóa, vật dụng thông thường. Các thủ tục vay cũng được tiến hành nhanh chóng, giúp cho việc chi tiêu của người dân. 

Theo Luật Dân sự, lãi suất cho vay không quá 20%/năm đối với các hoạt động cho vay tiêu dùng. Nhờ vậy đã giúp người đi vay tự tin tham gia hoạt động tiêu dùng vì biết rõ chi phí mà mình phải bỏ ra. Đặc biệt, hình thức này phù hợp với các tầng lớp trung lưu, người trẻ tuổi vay trả góp mua xe máy, điện thoại, máy tính, ti vi, tủ lạnh… 

- Vậy những hạn chế trong lĩnh vực này là gì, thưa ông?

Theo tôi, việc phát triển cho vay tiêu dùng hiện nay có hai hạn chế. Thứ nhất, đại bộ phận người dân vẫn chưa có thói quen chi tiêu bằng tiền đi vay. Việc sử dụng dịch vụ này sẽ phù hợp hơn với các đối tượng trẻ tuổi, có trình độ và hiểu rõ về cho vay tiêu dùng. 

Thứ hai, phụ thuộc vào khả năng chi trả của các tầng lớp nhân dân. Nếu khách hàng biết rõ khả năng chi trả của mình hoặc giả sử có thể bây giờ họ chưa có tiền nhưng trong tương lai sẽ có tiền thì lúc đó họ mới sẵn sàng chi tiêu. 

Do vậy, việc tự tin tham gia hoạt động tín dụng tiêu dùng sẽ phụ thuộc rất lớn vào kỳ vọng thu nhập của người dân trong tương lai. Hiện nay, trình tự, thủ tục cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đã khá thuận tiện và nhanh chóng, không có cản trở gì nhiều.

- Trong tương lai, cần có các giải pháp gì để giúp việc phát triển thị trường cho vay tiêu dùng đạt hiệu quả cao?

Về cơ bản đã có quy định pháp lý khá tốt trong lĩnh vực này, hiện tại phụ thuộc vào chiến lược hoạt động và khả năng cạnh tranh của mỗi công ty tài chính. Cũng cần có thêm một thời gian nữa để chính sách này đi vào cuộc sống; sau đó sẽ thu thập thêm ý kiến của các công ty, người dân trong quá trình sử dụng để xem có cần sửa đổi gì không. 

Theo tôi, điều vướng mắc nhất trong tín dụng tiêu dùng là xác định mức lãi suất cho vay. Hiện nay so với mặt bằng lãi suất và tỷ lệ lạm phát thì lãi suất cho vay đã tương đối hợp lý, cần tiếp tục duy trì sự ổn định này.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới lên