Thị trường

Mới chỉ cổ phần hóa 5% vốn trong khối doanh nghiệp Nhà nước

Tính đến nay, đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa, tuy nhiên số vốn thực hiện cổ phần hóa mới chỉ được khoảng 5% vốn pháp định của tổng khối doanh nghiệp Nhà nước.

Mới chỉ cổ phần hóa 5% vốn trong khối doanh nghiệp Nhà nước

Ảnh minh họa

Đây là thông tin được ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại buổi hội thảo "Triển vọng kinh tế Việt Nam - Cơ hội nào cho doanh nghiệp?" diễn ra tại TP.HCM ngày 17/5.

Theo ông Vinh, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một trong những vấn đề lớn mà các nhà kinh tế quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới Việt Nam. Vì doanh nghiệp Nhà nước vẫn là chủ đạo trong nền kinh tế, các nhà đầu tư mong muốn Việt Nam có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.

"Hiện nay, chúng ta đã cổ phần hóa được hàng chục nghìn doanh nghiệp nhà nước, nhưng số vốn cổ phần hóa mới chỉ không quá 5% vốn pháp định, quá bé nhỏ nên không thể thay đổi vấn đề quản trị của doanh nghiệp.

Cái chính là nguồn vốn nằm ở 04 tập đoàn lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 90% vốn trong tổng các doanh nghiệp Nhà nước: điện lực, dầu khí, than khoáng sản, đường sắt", ông nói.

Trong khi đó, sự bất bình đẳng trong cạnh tranh, tiếp cận các nguồn lực khiến các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất khó để phát triển mạnh mẽ một cách thực lực. Mặc dù, sự bình đẳng trong kinh doanh mà Nghị quyết nào cũng nói tới nhưng trong thực tế phân bổ lại vướng cơ chế nên không thể khác được (thực hiện bình đẳng).

Chẳng hạn, tài nguyên khoáng sản là than của tập đoàn Than và Khoáng sản, dầu khí của tập đoàn Dầu khí… Nếu có những doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền, có công nghệ hiện đại khai thác dầu khí, than có hiệu quả cao hơn, nhưng quyền sử dụng khối tài nguyên này là của các tập đoàn trên thì không doanh nghiệp tư nhân nào đụng chạm đến được.

"Chúng ta không có thể chế tốt để cho các doanh nghiệp được tiếp cận và cạnh tranh bình đẳng. Đây là vấn đề rất lớn, chúng ta đổi mới nền kinh tế một cách toàn diện. Do vậy, vấn đề đầu tiên phải thực hiện cổ phần hóa thật mạnh mẽ, quyết liệt, chỉ giữ lại vốn trong những lĩnh vực quan trọng. Đây là con đường phải đi", ông Vinh nói.

Ông Vinh cũng cho biết thêm, cùng với việc đổi mới cơ chế thì tự bản thân các doanh nghiệp Việt cũng phải thay đổi tư duy, hành động.

"Tôi đã nói rất nhiều về việc Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội và thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp là không giống nhau", ông nhấn mạnh.

Cựu bộ trưởng cũng cho rằng cơ hội lớn nhất cho tất cả các doanh nghiệp là được hưởng nhiều ưu đãi trong các FTA, TPP, mở ra thị trường rộng lớn cho nhiều ngành hàng với nhiều ưu đãi đặc biệt.

Có được ưu đãi không còn phải phụ thuộc vào vấn đề doanh nghiệp Việt có đủ sức làm ra những sản phẩm đủ tiêu chuẩn, có sức cạnh tranh hay không.

Bên cạnh đó, nhân lực Việt nên dù được đánh giá là dân tộc thông minh thì cũng không thể cạnh tranh với nhân lực trong khu vực khi không có tiếng Anh tốt.

Tin mới lên