Nhân vật

Mối lương duyên của CEO Vietjet với Nhật Bản: từ nhà tạo mẫu tóc đến Japan Airlines

(VNF) - Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo là người khá là tỉ mỉ trong cuộc sống riêng. Dù công việc bận rộn, bà vẫn tập yoga hàng ngày . Đặc biệt, bà Thảo có một nhà tạo mẫu Nhật Bản làm tóc vào buổi sáng vì bà thích quan tâm đến từng chi tiết, theo Nhật báo Nikkei.

Mối lương duyên của CEO Vietjet với Nhật Bản: từ nhà tạo mẫu tóc đến Japan Airlines

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet, phát biểu tại sự kiện ký kết với Japan Airlines

Giờ đây, Vietjet Air của bà Thảo lại có thêm một đối tác Nhật Bản là hãng hàng không Japan Airlines (JAL). Việc hợp tác sẽ giúp hãng đi sâu hơn nữa vào chi tiết để gây dựng sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu.

Thỏa thuận hợp tác này bao gồm việc bay liên danh (codeshare) và khả năng chuyển đổi dặm bay tích lũy giữa hai hãng hàng không. Japan Airlines có thể cũng sẽ tham gia vận hành các tuyến bay giữa Việt Nam và Nhật Bản của Vietjet. 

Chuyến bay liên danh (codeshare flight) trong ngành hàng không dân dụng là tên gọi một chuyến bay định kỳ mà mang tên cùng lúc nhiều hãng hàng không. Bằng hình thức chuyến bay liên danh, các hãng hàng không tham gia có thể khai thác một số chuyến bay phổ biến bằng cách nối chuyến cho nhau, 2 hãng có thể cùng bay trên một tuyến, hoặc trực tiếp khai thác vận chuyển/gián tiếp tiếp thị vận chuyển.

Cuối tháng trước, Vietjet đã tổ chức một cuộc họp báo tại trụ sở chính ở TP. HCM. Người sáng lập và Tổng giám đốc (CEO) Nguyễn Thị Phương Thảo, 47 tuổi, đã xuất hiện cùng với chồng, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch công ty mẹ của Vietjet, Tập đoàn Sovico Holdings.

Sự có mặt của ông Nguyễn Thanh Hùng, một người khá kín tiếng và ít khi xuất hiện trước công chúng, cho thấy mức độ quan trọng trong việc hợp tác với JAL.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet (thứ tư từ trái sang) và ông Nguyễn Thanh Hùng (thứ hai trừ trái sang) trong lễ ký kết với đối tác Nhật Bản.

Phát biểu trước báo chí, bà Thảo nói rằng sự hợp tác này quan trọng hơn nhiều so với bất kỳ việc hợp tác với các hãng hàng không khác. Bà Thảo nhấn mạnh rằng Vietjet sẽ hợp tác trong nhiều lĩnh vực với JAL, bao gồm cung cấp dịch vụ, đào tạo nhân sự và cải tiến các dịch vụ.

Năm 2016, Vietjet đã kiểm soát được 41,5% thị trường nội địa, gần đuổi kịp con số 42,5% của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Năm nay, hãng hàng không giá rẻ được đánh giá là có khả năng chắc chắn sẽ đánh bại đối thủ doanh nghiệp nhà nước.

Vấn đề lớn nhất của Vietjet là trễ giờ. Tuy nhiên, tỷ lệ các chuyến bay trễ đã giảm từ 50% xuống 12,3% trong 3 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, Vietjet đã cung cấp nhiều sự lựa chọn cho các bữa ăn và nhiều loại hình mua sắm trong chuyến bay hơn so với Vietnam Airlines.

Nikkei đánh giá, giờ đây khi Vietjet Air đã vượt qua hình ảnh hãng hàng không "chi phí thấp, chất lượng thấp", thách thức tiếp theo của hãng là tăng cường các tuyến bay và dịch vụ quốc tế.

Bà Thảo được cho là đã nỗ lực để có được sự hợp tác với JAL.

Năm ngoái, nói với Nikkei, bà Thảo cho biết Vietjet đặt mục tiêu tăng tỷ lệ các chuyến bay quốc tế trong đóng góp vào doanh thu từ 20% lên 40% trong vòng vài năm tới. Vietjet đã đặt mua 120 máy bay từ Airbus, bao gồm máy bay A321 và 100 máy bay từ Boeing, bao gồm cả B737s. Các máy bay phản lực sẽ được bổ sung vào đội bay hiện có khoảng 50 máy bay.

Trong năm 2016, đã có khoảng 740.000 du khách Nhật Bản đến Việt Nam, tăng 10,4% so với năm trước. Trong khi lượng du khách từ các nước khác khác tăng 27,9% so lên khoảng 240.000 người.

Ngoài ra, số công dân Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản đã tăng hơn 3,8 lần lên 200.000 người vào cuối năm ngoái so với năm 2012. Và trong số những người nước ngoài sống ở Nhật thông qua hình thức "kỹ thuật viên thực tập sinh", người Việt Nam thuộc nhóm nhiều nhất với hơn 20.000 người, vượt trội hơn hẳn so với số lượng các học viên Trung Quốc.

Nhật Bản vẫn có kế hoạch tiếp nhận thêm nhiều người Việt Nam để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động trong nước.

Japan Airlines từng liên minh với Vietnam Airlines

Nikkei cho rằng, không chỉ các xu hướng làm việc ủng hộ chiến lược kinh doanh của Vietjet, đó còn là sự may mắn. Gần đây, Vietnam Airlines và JAL, đối tác từ năm 1994, đã "chia tay". "Hãy tha thứ cho bà Thảo, nếu việc 'ly dị' được xem là cơ hội", Nikkei bình luận.

JAL đã chấm dứt việc hợp tác với Vietnam Airlines vào mùa thu năm ngoái sau khi All Nippon Airways – công ty mẹ của ANA Holdings (đối thủ của JAL) đã mua gần 9% cổ phần tại Vietnam Airlines với giá 106 triệu USD.

Dịch vụ của Vietnam Airlines đã được cải thiện nhiều kể từ khi hãng này hợp tác cùng ANA và cũng đã có nhiều chuyến bay hơn giữa Nhật Bản và Việt Nam. Cả 2 hãng cũng đã trao đổi nguồn nhân lực và kinh nghiệm cũng như ra mắt các mẫu máy bay mới trong những hành trình này.

Dường như Vietjet cũng đang kỳ vọng có thể xây dựng được mối quan hệ với một đối tác mạnh như vậy để giúp họ cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tin mới lên