Tài chính

Mới niêm yết, VPB và VJC đã lọt nhóm 9 công ty có lợi nhuận trên 5.000 tỷ

(VNF) – Năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 9 doanh nghiệp lãi trên 5.000 tỷ đồng, trong đó có 2 doanh nghiệp mới niêm yết trong năm 2017 là Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB) và Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (HoSE: VJC).

Mới niêm yết,  VPB và VJC đã lọt nhóm 9 công ty có lợi nhuận trên 5.000 tỷ

Quán quân về lợi nhuận năm 2017 trên TTCK là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE-VNM)

Năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 38 doanh nghiệp báo lãi trên 1.000 tỷ đồng; trong đó có 9 doanh nghiệp lãi trên 5.000 tỷ đồng là Vinamilk, Vietjet Air, Vingroup, Hòa Phát, Tổng công ty Khí Việt Nam và 4 ngân hàng gồm VPBank, MBank, Viecombank, BIDV.

Mức tăng nổi bật và đáng chú ý nhất thuộc về nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và thực phẩm tiêu dùng.

Đáng chú ý, trong danh sách 9 doanh nghiệp lãi trên 5.000 tỷ đồng thì có 2 doanh nghiệp chỉ mới niêm yết ngay trong năm 2017 đó là Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB) và Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (HoSE: VJC).

VPB và VJC cũng là 2 doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất trong số 9 doanh nghiệp lãi trên 5.000 tỷ đồng trong năm 2017.

Cụ thể, năm 2017, VPB lãi sau thuế 6.440,7 tỷ đồng, tăng trưởng 64%; VJC lãi 5.074 tỷ đồng, gấp đôi năm 2016.

Năm 2018, VPB tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng ấn tượng với lợi nhuận tiếp tục tăng 32,84% lên mức 10.800 tỷ đồng, qua đó giữ tỷ suất lợi nhuận ROE khoảng 25%, ROA được cải thiện từ 2,54 lên 2,7%.

Trong khi đó, VJC đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2018 đạt 50.970 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.806 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 9% so với 2017.

Dự kiến đến cuối năm 2018, Vietjet sẽ khai thác 66 tàu bay với hơn 120.000 chuyến, vận chuyển hơn 24,1 triệu hành khách. Vietjet có kế hoạch mở rộng thị trường cả chiều rộng và chiều sâu, nâng tổng số đường bay lên 100, bao gồm 39 đường bay nội địa và 61 đường bay quốc tế.

Theo số liệu đã kiểm toán, vị trí quán quân về lợi nhuận trên thị trường chứng khoán vẫn là cái tên đã quá quen thuộc với mọi nhà đầu tư: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM).

Năm 2017, VNM ghi nhận hơn 10.278 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng khoảng 10% so với năm 2016.

Đứng ở vị trí thứ 2 là Tổng công ty Khí Việt Nam-CTCP (HoSE: GAS) với lợi nhuận sau thuế đạt 9.937,8 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 39% so với năm 2016.

Trong số 9 doanh nghiệp báo lãi trên 5.000 tỷ đồng năm 2017 thì có đến 4 doanh nghiệp thuộc nhóm ngân hàng là: MBank, VPB, VCB và BIDV.

Trong đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (HoSE: VCB) là ngân hàng có lợi nhuận sau thuế cao nhất toàn ngành và đứng thứ 3 toàn thị trường với 9.110,6 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với năm trước.

Năm 2018, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14%, huy động vốn tăng 15%, tín dụng tăng 15%, nợ xấu dưới 1,5%. Lợi nhuận trước thuế 13.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với kết quả năm 2017 - mức lợi nhuận kế hoạch cao nhất được công bố tính đến thời điểm này.

Vietcombank dự kiến dành 2.878 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2017, tương đương 8% vốn điều lệ.

Đứng ở vị trí thứ 2 về lợi nhuận trong ngành ngân hàng là BIDV. Kết thúc năm 2017, lợi nhuận trước thuế của BIDV là 8.865 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch đề ra. Năm 2018, BIDV đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng tối đa 17% và trong giới hạn được Ngân hàng Nhà nước giao; Huy động vốn tăng trưởng 17% và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. Nợ xấu phấn đấu giữ tỷ lệ dưới 2% và lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 9.300 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2017.

Một doanh nghiệp cũng gây ấn tượng không kém đối với nhà đầu tư đó là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG). Năm 2017, HPG ghi nhận lợi nhuận kỷ lục kể từ khi thành lập công ty và đạt 8.014,7 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 21%. 

Năm 2018, HPG đặt mục tiêu doanh thu 55.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ đạt 8.050 tỷ đồng. So với kế hoạch 2017, ban lãnh đạo HPG đã mạnh dạn đặt cao hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, "gã khổng lồ" Vingroup ghi nhận lợi nhuận sau kiểm toán năm 2017 đạt 89.350 tỷ đồng, tăng 55,1% so với năm 2016. Năm 2017, lợi nhuận trước thuế đạt 9.114 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5.655 tỷ đồng, tăng lần lượt 35,3% và 26,8% so với năm 2016.

Doanh thu chuyển nhượng bất động sản năm 2017 đạt 62.482 tỷ đồng, tăng 25.186 tỷ đồng, tương đương 67,5% so với năm trước nhờ các dự án lớn như: Times City Park Hill, Vinhomes Gardenia, Vinhomes Central Park, Vinhomes Riverside - The Harmony, Biệt thự biển Vinpearl Phú Quốc, Vinpearl Nha Trang được hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng.

Doanh thu mảng dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí đạt 5.455 tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm trước với lượt khách du lịch trong và ngoài nước nghỉ dưỡng tại các thành phố nơi Vinpearl hiện diện tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong năm 2017, doanh thu các mảng hoạt động bán lẻ; cho thuê bất động sản đầu tư; giáo dục và y tế của Vingroup đều duy trì tốc độ tăng trưởng tốt so với năm trước với tỷ lệ tăng từ 32,7% đến 69,5%.

Năm 2018, hầu hết các doanh nghiệp đều đặt kế hoạch tăng trưởng vượt trội so với 2017. Với kết quả đạt được trong quý I, các doanh nghiệp đầu ngành đều kỳ vọng sẽ tiếp tục hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra của năm 2018.

Tin mới lên