Tài chính

MRC Ltd chi 1.140 tỷ mua 12 triệu cổ phần của Masan

(VNF) – MRC Ltd, cổ đông hiện đang sở hữu 20,04% cổ phần của Masan Resources, chính là nhà đầu tư sẽ bỏ ra 1.140 tỷ đồng mua 12 triệu cổ phần của Masan với giá gấp rưỡi giá thị trường, theo nghị quyết mới công bố của Masan.

MRC Ltd chi 1.140 tỷ mua 12 triệu cổ phần của Masan

MRC Ltd chi 1.140 tỷ đồng mua 12 triệu cổ phần của Masan

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan) vừa công bố Nghị quyết số 1608/2016/NQ-ĐHĐCĐ, theo đó, Đại hội đồng cổ đông của Masan đã thông qua toàn bộ kế hoạch tăng vốn điều lệ, phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chủ trương phát hành trái phiếu quốc tế.

Đáng chú ý nhất trong nội dung nghị quyết này là việc Công ty MRC Ltd, cổ đông hiện đang sở hữu 20,04% cổ phần của Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources), chính là đơn vị chi 1.140 tỷ đồng mua 12 triệu cổ phần của Masan với giá 95.000 đồng/cổ phần.

Trước đó, giới đầu tư đã tỏ ra bất ngờ khi Masan Resources công bố kế hoạch chào mua công khai toàn bộ cổ phiếu phổ thông đang lưu hành của Masan Resoures, trong đó có 2 điểm rất đáng chú ý. Một là cổ đông lớn nước ngoài MRC Ltd bày tỏ ý muốn bán lại cổ phần của mình tại Masan Resources cho Masan trong đợt chào mua công khai này với giá chỉ bằng với giá khởi điểm khi Masan Resources lên sàn UPCoM. Hai là Masan sẽ phát hành riêng lẻ 12 triệu cổ phiếu MSN với mức giá lên đến 95.000 đồng/cổ phần, nghĩa là gấp rưỡi thị giá hiện tại, để tài trợ tiền cho việc Masan mua lại 100% cổ phần của Masan Resources.

MRC Ltd mua cổ phần Masan

MRC Ltd chi 1.140 tỷ đồng mua 12 triệu cổ phần của Masan với giá gấp rưỡi giá thị trường

Hai điểm trên đáng chú ý là bởi, nếu MRC Ltd bán cổ phần tại Masan Resources cho Masan với giá bằng với giá khởi điểm khi lên sàn UPCoM thì công ty này gần như không có lãi. Còn trường hợp phát hành riêng lẻ với giá cao hơn gấp rưỡi mức giá thị trường thì liệu nhà đầu tư nào sẽ chấp nhận "thiệt thòi" này?

Theo thông tin từ nghị quyết trên thì MRC Ltd chính là nhà đầu tư chấp nhận "thiệt thòi" khi mua cổ phiếu MSN với giá gấp rưỡi giá thị trường. Như vậy, gần như chắc chắn MRC Ltd đã quyết định bán toàn bộ cổ phần tại Masan Resources để đổi lấy cổ phần của Masan.

Mặc dù động thái đổi cổ phiếu này là nằm trong dự đoán bởi đây là điều kiện ràng buộc giữa Masan và MRC Ltd trong trường hợp Masan Resources chưa được niêm yết trong vòng 4,5 năm sau khi kết thúc giao dịch, nhưng việc MRC Ltd chấp nhận "chịu thiệt" khi mua lại cổ phần của Masan với giá gấp rưỡi thị giá vẫn là điều gây khó hiểu.

Nhiều khả năng, mấu chốt của những động thái lạ thường này là nằm ở khoản vay 35 triệu USD mà Masan huy động từ MRC Ltd. Có thể khoản vay này rất có lợi cho phía MRC Ltd, chẳng hạn như lãi suất vay rất cao, hoặc hàm chứa điều kiện hoán đổi cổ phiếu với giá rất "hời" cho MRC Ltd, như vậy mới có thể giải thích động thái chủ động "chịu thiệt" của MRC Ltd khi đổi cổ phần Masan Resources lấy cổ phần Masan.

Cũng theo nghị quyết trên, cổ đông của Masan đã thông qua các phương án phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 50% và trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%. Ngoài ra, cổ đông Masan cũng thông qua chủ trương chào bán và niêm yết trái phiếu không chuyển đổi tại nước ngoài với tổng giá trị phát hành tối đa là 300 triệu USD.

Tin mới lên