Tiêu điểm

Mục tiêu tăng trưởng 6,3 - 6,5%: Khả thi hay không khả thi?

(VNF) - Tại buổi Tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Quý III/2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng 11/10, mục tiêu tăng trưởng 6,3 – 6,5% của Chính phủ tiếp tục được các chuyên gia phân tích với những nhận định trái chiều.

Mục tiêu tăng trưởng 6,3 - 6,5%: Khả thi hay không khả thi?

Mục tiêu tăng trưởng năm 2016 từ 6,3 - 6,5% liệu có khả thi?

Mục tiêu tăng trưởng 6,3 – 6,5% khó đạt được

Theo báo cáo của VEPR, bước sang Quý III/2016, nền kinh tế đã có những cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm. GDP Quý III tăng 6,4% (cao hơn 0,6% so với Quý II), điều này giúp tăng trưởng 9 tháng đạt 5,93%. Tuy vậy mức tăng này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, sự suy giảm của nông nghiệp kết hợp với khó khăn trong trong ngành công nghiệp khai khoáng là hai nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng thấp.

Cụ thể, khu vực nông nghiệp, vốn chiếm 11-13% GDP, ước tính chỉ tăng 0,05% trong 9 tháng đầu năm và chỉ đóng góp được 0,01 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Trong khi đó, lâm nghiệp và thủy sản cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm ngư nghiệp chỉ tăng 0,65%, thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng nhóm ngành này 9 tháng đầu năm đạt 11,22%, cao hơn so với hai năm trước (2014 là 8,57%; 2015 là 10,15%).

Tuy nhiên, VEPR cho rằng, với mức đóng góp lên tới 28,4% trong cơ cấu GDP khu vực công nghiệp, suy giảm ngành khai khoáng đã tác động không nhỏ tới tăng trưởng khu vực này cũng như tăng trưởng kinh tế. Cộng dồn tới hết tháng 9, ngành khai khoáng ước giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, làm giảm 0,28 điểm phần trăm tăng trưởng.

Từ những phân tích như trên, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng dù đã được điều chỉnh, song mục tiêu tăng trưởng 6,3 – 6,5% cả năm của Chính phủ vẫn rất khó đạt được.

"Để đạt được mục tiêu này, Quý IV cần phải tăng trưởng ít nhất 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kinh nghiệm những năm qua cho thấy, tăng trưởng Quý IV có tăng cao hơn Quý III nhưng cũng không thể vượt 1 điểm phần trăm. Lần duy nhất ghi nhận mức chênh lệch này là năm 2009 khi Chính phủ ra gói kích cầu quy mô lớn nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế", ông Thành nói.

Vẫn có khả năng đạt được mục tiêu 6,3 - 6,5%, nếu…

Mặc dù nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,3 – 6,5% rất khó khả thi, song TS Vũ Đình Ánh cho rằng vẫn "có cửa" để đạt được.

"Tổng cục Thống kê đã tính tăng trưởng Quý IV vào khoảng 7,1 – 7,3%. Với mức tăng đó sẽ đạt được mục tiêu 6,3 - 6,5% cho cả năm. Quý III vừa rồi chúng ta đã đạt được mức tăng 6,4%, do đó, Quý IV chỉ cần tăng trưởng cao hơn Quý III 0,8% thì sẽ đạt được mức 7,2%, thỏa mãn được mục tiêu cả năm của Chính phủ", TS Ánh phân tích.

Bình luận thêm về mục tiêu tăng trưởng, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cũng có chung nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,3% - 6,5% là rất khó có thể đạt được. Nếu muốn đạt mức tăng trưởng 6,3% tăng trưởng quý IV phải tăng từ hơn 7% đến 8%.

"Chúng ta có quá nhiều gói lãi suất, nhưng nhiều chính sách chèn vào mức cho vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi tạo ra việc làm và tăng trưởng GDP khiến mức lãi suất cao.

Tăng trưởng thì người dân có thể không biết nhưng lạm phát họ cảm nhận được ngay, vì vậy phải giữ vững mục tiêu kiềm chế lạm phát nếu không sẽ mất lòng tin vào thị trường. Do đó, theo tôi chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 6% thôi nhằm kiềm chế lạm phát bởi đây là mục tiêu rất quan trọng", ông Tuyển nhận định.

Tin mới lên