Thị trường

‘Muốn chống phân bón giả phải có con người thật’

(VNF) – Đó là nhận định của TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, về giải pháp chống nạn phân bón giả hiện nay.

‘Muốn chống phân bón giả phải có con người thật’

Hội thảo quốc gia lập lại thị trường phân bón Việt Nam tổ chức sáng 28/9

Hỗn loạn thị trường phân bón

Tại Hội thảo quốc gia lập lại thị trường phân bón tổ chức sáng 28/9, các chuyên gia nông nghiệp từ các bộ, ban ngành, hiệp hội và doanh nghiệp đã chỉ ra tình trạng báo động của thị trường phân bón Việt Nam.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, trên cả nước có 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng bán ra trên 48 tỉnh thành. Bình quân mỗi năm có khoảng 4.000 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón.

Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả phát triển mạnh và ngày càng tinh vi hơn. Đặc biệt, tình trạng này phát triển ngay trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng phân bón, trong các tổ chức cơ quan công an, quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp….

Chẳng hạn kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ Nông nghiệp đối với 11 trung tâm khảo nghiệm, kiểm định chất lượng hồi tháng 4/2016 cho thấy, 100% các trung tâm này đều vi phạm các nghị định và thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón như cấp khống, cấp sai hàng chục nghìn mẫu phân bón cho hàng trăm doanh nghiệp.

"Các thành phần này như ‘quả bom nổ chậm’ phá hoại nghị định, thông tư, bóp méo sự thật, bóp méo pháp luật, gây thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp nhiều năm qua", ông Thúy nói.

Theo báo cáo của Hiệp hội phân bón Việt Nam, từ tháng 8/2015 đến tháng 3/2016 cả nước có hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón. Đa số các cơ sở sản xuất phân bón bằng công nghệ cuốc xẻng, xe trộn bê tông và không có phòng thí nghiệm. Đây chính là cái nôi làm nảy sinh tình trạng sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, bổ sung thêm nhận định, thị trường hiện nay đang hỗn loạn về chủng loại và nhãn mác phân bón khiến nông dân rơi vào "ma trận" khi chọn lựa mặt hàng. Đây cũng là kẽ hở để các đối tượng "đánh lận con đen" về thành phần dinh dưỡng, lừa gạt người tiêu dùng.

Cần gấp xây dựng Luật phân bón

Đánh giá về công tác quản lý ngành phân bón, các chuyên gia đều cho rằng hiện nay đang có sự bất hợp lý, chồng chéo trong các quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo Luật 71/2014/QH13, nông dân được giảm thuế VAT 5% khi mua phân bón, tuy nhiên các doanh nghiệp mua hàng hóa, máy móc, vận chuyển, vật tư để sản xuất (không có tên phân bón) lại không được khấu trừ. Bình quân thuế VAT không được khấu trừ này (6,5 – 7%) doanh nghiệp buộc phải cộng vào chi phí sản xuất làm đội giá thành sản phẩm.

Hệ quả là cánh cửa nhập khẩu phân bón nước ngoài mở toang ra. Còn các doanh nghiệp trong nước phải cắt giảm công suất, chịu thiệt hại hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng và đối diện nguy cơ đóng cửa.

Cùng với Luật 71 là Nghị định 202/2013/NĐ-CP, Nghị định này giao Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý phân vô cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phân hữu cơ. Còn các loại phân bón khác, hai Bộ phối hợp với nhau cùng giải quyết.

Tuy nhiên, việc phân chia trách nhiệm giữa hai Bộ không rạch ròi, gây ra sự chồng chéo và khó khăn trong quản lý. Bởi thực tế hầu hết doanh nghiệp đều sản xuất cả 2 loại phân, vì thế, nếu muốn thanh tra, phải thành lập liên ngành rất tốn thời gian và kinh phí. Do đó, quản lý mặt hàng phân bón ngày càng phức tạp nhưng lại cũng càng lỏng lẻo hơn.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng cần sửa đổi Luật 71 và sửa Nghị định 202 theo hướng chuyển giao trách nhiệm quản lý về một Bộ duy nhất.

Ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty phân bón Bình Điền, gợi ý Chính phủ nên xem xét thành lập Cục phân bón như ở các nước khác, để thống nhất đầu mối quản lý, tránh trường hợp "một rắn hai đầu" như hiện nay.

Đi xa hơn trong các kiến nghị, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, kêu gọi cần phải gấp rút xây dựng Pháp lệnh về phân bón, tiến tới lập Luật phân bón để siết chặt công tác quản lý.

"Từ quy định về chủng loại, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng, cấp phép, quy trình sản xuất, thanh kiểm tra đến chế tài xử phạt… đều phải được luật hóa và thực hiện nghiêm minh. Tôi cũng không hiểu vì sao Bộ Nông nghiệp đã xây dựng dự thảo rất lâu rồi mà mãi vẫn chưa có Pháp lệnh về phân bón".

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, để chống lại nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng như hiện nay, vấn đề con người vẫn phải được ưu tiên hàng đầu.

"Muốn chống phân bón giả thì phải có con người thật, con người có lương tâm, có trình độ, có trách nhiệm. Phải tái cơ cấu nhân lực của ngành phân bón để khôi phục sự lành mạnh của thị trường. Tăng trưởng niềm tin của người dân còn quan trọng hơn tăng trưởng số lượng nhà máy và sản lượng phân bón", ông Nghĩa nói.

Tin mới lên