Tài chính

Muốn xóa sổ ngành nghề kinh doanh chính của DNNN: Không chỉ cần 3 năm

(VNF) - Như VietnamFinance đã đưa tin, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Muốn xóa sổ ngành nghề kinh doanh chính của DNNN: Không chỉ cần 3 năm

Quy đinh mới về nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp ngăn những "bi kịch" như ở Hãng phim truyện Việt Nam?

Nới lỏng quy định cho nhà đầu tư chiến lược

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 126 là Chính phủ đã chính thức bổ sung "phương thức dựng sổ" trong việc bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh các phương thức cũ gồm: đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp.

"Phương thức dựng sổ" (booking building) là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại cầu cổ phiếu của nhà đầu tư, tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành.

Theo đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng.

Đây là phương pháp phổ biến trên thế giới và theo đánh giá của HSBC, sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước thu hút các nhà đầu tư chiến lược vì giá bán đã được quyết định dựa trên nghiên cứu về nhu cầu thị trường và thông qua các cuộc thương lượng với người mua lớn ngay từ giai đoạn ban đầu.

Ngoài việc bổ sung phương thức mới, Nghị định 126 cũng đưa ra một số quy định theo hướng nới lỏng cho nhà đầu tư chiến lược. Chẳng hạn, nghị định đã "hạ" điều kiện năng lực tài chính của nhà đầu tư, theo đó chỉ cần có kết quả sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất có lãi (trong khi quy định cũ là 3 năm), hoặc giảm thời gian không được chuyển nhượng cổ phần từ 5 năm xuống còn 3 năm…

Không dễ xóa bỏ ngành nghề kinh doanh chính của DNNN sau cổ phần hóa

Nghị định 126 không đưa ra yêu cầu nhà đầu tư chiến lược phải có cùng ngành nghề kinh doanh với doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa. Tuy nhiên, Nghị định này cũng đã kịp "trói" nhà đầu tư chiến lược bằng quy định "Tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 3 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược".

Trường hợp doanh nghiệp đã nằm trong danh sách doanh nghiệp đạt thương hiệu Quốc gia, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải báo cáo để Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thời gian nhà đầu tư chiến lược phải cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Điều quan trọng hơn nữa là "việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc Danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần sau khi cổ phần hóa".

Như vậy, có thể thấy, dù có mua được lượng lớn cổ phần, nhà đầu tư chiến lược cũng không thể dễ dàng xóa bỏ được ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.

Ngoài các quy định trên, Nghị định 126 cũng đặt ra một số điều kiện mới cho nhà đầu tư chiến lược như phải đặt cọc, ký quỹ 20% giá trị cổ phần đăng ký mua (trong khi quy định cũ là 10%).

Đồng thời có nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm cam kết đã ký với mức bồi thường xác định theo thiệt hại thực tế và quyền định đoạt của Nhà nước đối với toàn bộ số lượng cổ phần nhà đầu tư chiến lược mua khi vi phạm các cam kết đã ký…

Tin mới lên