Tài chính quốc tế

Mỹ: APEC không có tuyên bố chung là vì Trung Quốc

(VNF) - Lần đầu tiên trong lịch sử 29 năm của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), lãnh đạo 21 nền kinh tế không đạt được tuyên bố chung. Theo Mỹ, nguyên nhân là do Trung Quốc một mình đi ngược lại với quyết định của 20 nước còn lại.

Mỹ: APEC không có tuyên bố chung là vì Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence.

Ngày 18/11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết lãnh đạo các nền kinh tế dự Hội nghị cấp APEC tại Papua New Guinea đã không thể đồng thuận ra một tuyên bố chung thay vào đó nước chủ nhà Papua New Guinea sẽ ra tuyên bố chủ tịch trong vài ngày tới.

Theo ông Trudeau, nguyên nhân là do sự khác biệt lớn xoay quanh vấn đề thương mại giữa các nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, mới đây, tờ Wall Street Journal  dẫn lời một quan chức chính quyền cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết không phải màn đối đầu giữa Trung Quốc với Mỹ đã “đánh chìm” tuyên bố chung của các lãnh đạo mà nguyên nhân là do Trung Quốc đã chống lại tất cả thành viên khác của APEC.

Theo vị quan chức này, phần lớn bất đồng nảy sinh từ một câu được đề xuất đưa vào tuyên bố chung: "Chúng tôi nhất trí chống lại chủ nghĩa bảo hộ bao gồm tất cả hành động thương mại không công bằng”.

Vị quan chức Mỹ cho biết, Trung Quốc được đã không đồng tình với cách dùng từ vì tin rằng câu này có ý nhắm vào các hoạt động thương mại của Trung Quốc. Trong khi đó, tất cả 20 nền kinh tế còn lại đều ủng hộ đưa câu này vào tuyên bố chung.

Các nhà Lãnh đạo APEC chụp ảnh tại sự kiện.

Kể từ cuộc họp Thượng đỉnh đầu tiên vào năm 1993 tới nay, APEC đã luôn ra được tuyên bố của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên.

Hội nghị cấp cao APEC năm nay chứng kiến những lần công kích và đáp trả gay gắt giữa Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong lúc ông Tập Cận Bình chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, Phó tổng thống Pence tuyên bố Washington sẽ không từ bỏ việc áp thuế khi Bắc Kinh vẫn đang thực hiện những hoạt động thương mại không công bằng, như “chuyển giao công nghệ kiểu cưỡng ép" và “đánh cắp tài sản trí tuệ”.

Căng thẳng tại APEC cũng xoay quanh việc các đồng minh phương Tây cùng phối hợp để phản ứng với chương trình "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc, cam kết sẽ ủng hộ dự án điện khí hóa và Internet trị giá 1,7 tỷ USD ở Papua New Guinea.

Tại hội nghị cấp bộ trưởng APEC được tổ chức hồi tuần trước, việc đưa ra tuyên bố cuối cùng cũng bị trì hoãn do Mỹ bất đồng với các thành viên khác về cách diễn giải cụm từ tự do thương mại.

Xem thêm >> Hội nghị Cấp cao APEC: Mỹ ‘chĩa mũi nhọn’ vào Trung Quốc trên mọi mặt trận

Tin mới lên