Tài chính quốc tế

Mỹ đang chặn nguồn tài chính của IS như thế nào?

(VNF) - Một quan chức hàng đầu của Bộ Tài chính Mỹ đã cung cấp các thông tin chi tiết vào hôm thứ Năm về các chiến dịch quy mô lớn đằng sau nỗ lực ngăn chặn dòng chảy tài chính của Nhà nước Hồi giáo (IS).

Mỹ đang chặn nguồn tài chính của IS như thế nào?

Adam Szubin, Thư ký Bộ Tài chính Mỹ đã có một bài phát biểu hiếm có tại London vào hôm thứ Năm 10/12, trong đó mô tả cách Mỹ đang phối hợp với các nước đồng minh để ngăn chặn nguồn tiền cung cấp cũng như chi tiêu của tổ chức khủng bố IS.

Đóng cửa ngân hàng, biên giới, ra lệnh trừng phạt

Mỹ đã làm việc với Chính phủ Iraq để đóng cửa khoảng 90 ngân hàng hoạt động trong lãnh thổ IS kiểm soát. IS đã mất kiểm soát các ngân hàng này của mình trên khắp Iraq và Syria, những ngân hàng được xem là đã trợ giúp đắc lực cho tổ chức này có thêm 1 tỷ USD trong năm 2014.

Ông Szubin cho biết các ngân hàng vẫn có thể hoạt động, nhưng không còn gắn liền với hệ thống tài chính toàn cầu, nhằm triệt tiêu những nỗ lực của IS trong việc chiêu mộ binh lính, tuyên truyền và mua sắm các thiết bị sản xuất kinh doanh dầu mỏ.

Mỹ cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt hơn 30 lãnh đạo và các thủ lĩnh tài chính cấp cao của Nhà nước Hồi giáo để cắt đứt đường dây liên kết của nhóm này với các kênh tài chính quốc tế.

Đồng thời Mỹ cũng sẽ ra lệnh đóng cửa biên giới quốc gia để gây khó cho IS không thể thực hiện các giao dịch xuyên biên giới và chặn nguồn cung tiền của các tổ chức tài chính khác cho IS. "Đóng cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để chặn nguồn tiền của IS là đặc biệt quan trọng", ông Szubin nói.

Chi tiết về các chiến dịch ngăn chặn nguồn tài chính IS của Bộ Tài chính Mỹ được tiết lộ vào cùng ngày mà đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Brett McGurk nói trên Twitter rằng "ông trùm tài chính" của IS, Abu Saleh và hai thủ lĩnh cấp cao khác của tổ chức khủng bố này đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Chặn nguồn kiếm tiền

IS được xem là tổ chức khủng bố giàu nhất hành tinh cho đến nay. Ngoài 1 tỷ USD trong quỹ ngân hàng mà nhóm này cướp được trong năm ngoái, IS còn tạo ra một 1 tỷ USD trong năm 2014 thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh dầu mỏ, thu thuế, các vụ bắt cóc, và nhiều nguồn khác.

Một điểm đáng chú ý là không giống như các tổ chức khủng bố khác, IS không phụ thuộc vào nguồn tiền tài trợ. Chúng tự mình làm giàu cho tổ chức bằng các hoạt động kinh doanh như một tập đoàn lớn, đa quốc gia. 

Dầu mỏ được coi là nguồn "vàng đen" quan trọng nhất đối với IS. Nhờ chiếm lĩnh nhiều mỏ dầu tại Iraq và Syria nên mỗi ngày IS khai thác và tiêu thụ được ít nhất 50.000 - 60.000 thùng dầu thô. Ước tính, trong 10 tháng qua, tổ chức này đã bán được số lượng dầu thô trị giá 800 triệu USD trên thị trường dầu thế giới.

Bên cạnh đó, IS Nhóm này tạo ra một số tiền khổng lồ bằng việc đánh thuế vào 8 triệu dân sinh sống và làm việc trên lãnh thổ mà nó kiểm soát, đồng thời độc quyền kinh doanh các dịch vụ thiết yếu đối với cuộc sống của dân thường như điện, nước, viễn thông, ngân hàng,...

Hãng Reuters cho biết, bằng hoạt động này, mỗi năm, IS cũng thu được ít nhất 360 triệu USD. Đó là chưa kể đến 875 triệu USD mà nhóm này có được sau khi đột nhập vào kho bạc tại một số địa phương ở Iraq. 

Báo cáo của Liên hợp quốc công bố hồi tháng 10 cho biết, IS còn có thêm khoản tiền 50 triệu USD mỗi năm là tiền mà các quốc gia trả để chuộc lại con tin bị bắt cóc. IS cũng kiếm lời từ việc bán phụ nữ và trẻ em ở Iraq, Syria cho các tổ chức buôn người. 

Bộ Tài chính Mỹ hiện nay đang làm việc với liên minh hơn 30 quốc gia và các tổ chức tài chính để phá vỡ nguồn tiền của IS. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Jack Lew sẽ là chủ trì hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được tổ chức vào tuần tới về chống tài trợ IS. Đây sẽ là phiên họp Hội đồng Bảo an lần đầu tiên được dẫn dắt bởi các bộ trưởng tài chính.

Ném bom IS

Để ngăn chặn IS tiếp tục kiếm tiền từ dầu mỏ, Mỹ cùng các đồng minh đã thực hiện các cuộc không kích ném bom nhằm vào IS. Các nước tham gia vào các cuộc không kích bao gồm Anh, Mỹ, Australia, Bahrain, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Jordan, Hà Lan, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Trong đó, Mỹ đã tiến hành 78% trong tổng số 8.573 vụ đánh bom tấn công vào IS, theo hồ sơ mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng sản xuất dầu mỏ của IS và gây áp lực lên nguồn "vàng đen" của tổ chức này đó vì đây là nguồn cung tiền chính của chúng", Thiếu tá Hải quân Ben Tisdale, một phát ngôn viên của Hải quân Mỹ, nói với CNNMoney.

Tin mới lên