Tài chính quốc tế

Mỹ giảm quân tại châu Phi, dồn lực đối phó Nga-Trung Quốc

(VNF) - Rút hàng loạt tên lửa khỏi Trung Đông và cắt giảm hàng trăm binh sĩ làm nhiệm vụ chống khủng bố tại châu Phi, Mỹ đang dồn sức đối phó với các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc, trọng tâm của một chiến lược quốc phòng mới mà Mỹ đặt ra từ đầu năm.

Mỹ giảm quân tại châu Phi, dồn lực đối phó Nga-Trung Quốc

Lầu Năm Góc đang chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang Trung Quốc và Nga.

Reuters ngày 15/11 dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Candice Tresch cho biết quân đội Mỹ sẽ rút hàng trăm binh sĩ đặc biệt phụ trách các hoạt động chống khủng bố tại châu Phi trong vài năm tới để hỗ trợ chính sách tăng cường tập trung chống lại những đe dọa từ Trung Quốc và Nga.

Theo bà Tresch, việc cắt giảm quân số dự kiến sẽ được thực hiện đối với gần 10% trong số 7.200 binh sỹ.

“Việc cắt giảm binh sỹ hầu như không ảnh hưởng đến hoạt động chống lại các nhóm vũ trang cực đoan tại nhiều nước như Somalia, Djibouti hay Libya”, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết.

Cũng theo bà Tresch, ở một số khu vực khác, quân đội Mỹ sẽ chuyển trọng tâm “từ hỗ trợ chiến thuật sang các hoạt động cố vấn, trợ giúp, liên lạc và chia sẻ thông tin tình báo”

Động thái này của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nga đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi.

Kể từ khi các nước phương Tây áp đặt một loạt trừng phạt lên Nga vì sáp nhập Crimea trong năm 2014, Moscow đã ký 19 thỏa thuận hợp tác quân sự tại tiểu vùng Sahara, kể cả với Ethiopia, Nigeria và Zimbabwe.

Quân đội Mỹ sẽ rút hàng trăm binh sĩ đặc biệt phụ trách các hoạt động chống khủng bố tại châu Phi trong vài năm tới.

Về phía Trung Quốc, chưa lúc nào các khoản đầu tư và sự hiện diện, cả về kinh tế cũng như quốc phòng, của Bắc Kinh vào châu Phi lại mạnh mẽ như ở thời điểm hiện tại. Đó là những dấu hiệu cho thấy có sự chuyển hướng trong chiến lược đối ngoại của Bắc Kinh đối với Lục địa Đen, đi từ hợp tác kinh tế sang thành đối tác chính trị, ngoại giao.

Hồi đầu năm nay, quân đội Mỹ đặt nhiệm vụ chống Trung Quốc và Nga là trung tâm của một chiến lược quốc phòng mới. Đây là dấu hiệu mới nhất về việc Mỹ chuyển trọng tâm ưu tiên sau hơn một thập niên rưỡi tập trung vào công tác chiến đấu chống các phần tử khủng bố của Hồi giáo cực đoan.

Trước đó, hồi tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng đã ra lệnh rút 4 hệ thống tên lửa Patriot khỏi các căn cứ quân sự ở Jordan, Kuwait và Bahrain về Mỹ. Theo giới quan sát, bất chấp việc Iran vẫn nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo, không quốc gia Trung Đông nào hiện đặt ra mối đe dọa về tên lửa lớn cho Mỹ như Nga và Trung Quốc.

Mới đây, theo báo cáo ngày 14/11 của Ủy ban Chiến lược Quốc phòng Mỹ, vị thế siêu cường quân sự của Mỹ, vốn là xương sống quyền lực cho sức ảnh hưởng toàn cầu và an ninh quốc gia, đã bị xói mòn đến mức nguy hiểm

Theo bản báo cáo, trong khi quân đội Mỹ chịu sức ép phải cắt giảm ngân sách và suy giảm lợi thế quân sự, các cường quốc như Nga và Trung Quốc đang đầu tư phát triển quốc phòng nhằm mục đích “vô hiệu hóa các yếu tố sức mạnh của Mỹ”.

Bên cạnh đó, ủy ban cũng cảnh báo sức ảnh hưởng của Mỹ tại cả châu Á lẫn châu Âu đang liên tiếp suy giảm. Bản báo cáo cho rằng cân bằng quân sự tại các khu vực đã chuyển dịch nhiều hơn về phía những đối thủ của Mỹ và gia tăng khả năng xung đột xảy ra.

Xem thêm >> Mỹ lại ‘đổ thêm dầu vào lửa’, dọa giáng đòn trừng phạt khắc nghiệt lên Nga

Tin mới lên