Tài chính quốc tế

Mỹ mở đại sứ quán tại Jerusalem, Tổng thống Palestine liên tục nhập viện

(VNF) - Nhà chức trách Palestine mới đây đã xác nhận Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hiện đang phải điều trị tại bệnh viện al-Istishari ở khu Bờ Tây. Đây là lần thứ 3 ông phải nằm viện kể từ ngày Bộ Ngoại giao Mỹ khai trương đại sứ quán mới tại Jerusalem ngày 14/5.

Mỹ mở đại sứ quán tại Jerusalem, Tổng thống Palestine liên tục nhập viện

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Theo hãng WAFA của Palestine, ngày 15/5, Tổng thống Abbas thực hiện một tiểu phẫu ở tai và được xuất viện vài giờ sau đó. Tới ngày 18/5, ông quay trở lại bệnh viện để khám vì bị sốt. Sau đó, ngày 20/5, Tổng thống Abbas lại trở lại bệnh viện và phải ở lại qua đêm.

Vì các vấn đề liên quan đến sức khỏe, ông Abbas đã không thể tham gia cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/5 để thảo luận về việc Mỹ mở đại sứ quán ở Jerusalem.

Ông Abbas vốn là một người nghiện hút thuốc lá, có vấn dề liên quan đến tim mạch và bị bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Ông đã phải nhập viện ở Mỹ hồi tháng 2 để kiểm tra y tế trong một chuyến công du làm việc với Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc.

Bệnh viện al-Istishari nơi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đang điều trị bệnh.

Trong bối cảnh sức khỏe của Tổng thống Palestine có vấn đề, vẫn tồn tại sự chia rẽ sâu sắc giữa Fatah và phái đối thủ Hamas. Hamas giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử quốc hội năm 2006, một năm sau khi ông Abbas trở thành tổng thống. Năm 2007, phe này củng cố thêm sức mạnh tại dải Gaza khi đánh đuổi được các lực lượng quân đội của Fatah sau nhiều ngày giao tranh. Kể từ đó, không có cuộc bầu cử tổng thống hay cơ quan lập pháp nào được tổ chức.

Trước vấn đề ai sẽ là người lãnh đạo kế tiếp, nhiều phỏng đoán cho rằng Hamas sẽ đề cử Ismail Haniyeh, người đã sẵn sàng tiếp quản vị trí lãnh đạo phong trào Hồi giáo. Người phát ngôn của Hamas, ông Hazem Qassem nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc tranh cử tổng thống nào trong tương lai đều “phải là một vấn đề đối với tất cả người Palestine, chứ không phải một vấn đề nội bộ của Fatah”. Tuy nhiên, nếu không có hòa giải về chính trị, phe của ông ta vẫn có thể dễ dàng bị loại khỏi cuộc chơi.

Việc tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem đã khiến ông Abbas tức giận.

Khi ra tranh cử, ông Abbas tuyên bố nếu giành chiến thắng ông sẽ tiến hành cải tổ bộ máy hoạt động của chính quyền Palestine, cơ cấu lại chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan an ninh đồng thời sớm nối lại các cuộc thương lượng với Israel.

Ông cũng khẳng định quan điểm của mình: thành lập một nhà nước Palestine độc lập với các trụ sở chính quyền ở Bờ Đông, Dải Gaza và Đông Jerusalem cũng như đưa ra một giải pháp cho vấn đề người tỵ nạn Palestine.

Về phần mình, một quan chức cao cấp Israel giấu tên khẳng định, với việc bầu ông Mahmoud Abbas làm Tổng thống, người dân Palestine đã mở ra một kỷ nguyên hòa bình mới với những vấn đề sẽ được giải quyết thông qua con đường thỏa hiệp và đối thoại.

Hơn 2.800 người thương vong khi tham gia cuộc biểu tình phản đối Mỹ khánh thành đại sứ quán tại Jerusalem.

Tuy nhiên việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời ra lệnh dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem đã khiến ông Abbas tức giận. Sau đó, ông Trump còn quyết định cắt khoản viện trợ an ninh 65 triệu USD Mỹ dành cho Palestine nhiều năm qua.

Trong bài phát biểu tại Hội đồng Trung ương Tổ chức Giải phóng Palestine hồi tháng 1, ông đã gọi quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và cắt viện trợ cho Palestine của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “tội ác”, và tuyên bố “sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì nước Mỹ có thể áp đặt lên chúng tôi”.

Xem thêm >> Ông Putin nói gì về 'Tổng thống nhiệm kỳ 5'?

Tin mới lên