Thị trường

Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam sẽ phải làm gì?

(VNF) – Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước, để bảo đảm thực thi có hiệu quả các cam kết của các FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.

Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam sẽ phải làm gì?

Việt Nam đã chính thức lên tiếng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP

Ngày 24/1, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ thông báo rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

"Trong 6 năm qua, 12 nước TPP đã rất nỗ lực đàm phán, hoàn tất ký TPP, một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

"Nếu được triển khai, TPP sẽ đáp ứng lợi ích chung của tất cả các nước thành viên, không chỉ tạo động lực mới cho quan hệ kinh tế-thương mại giữa các nước, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với hợp tác, liên kết kinh tế và sự ổn định, thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

"Việt Nam coi việc tham gia TPP và các FTA khác là một trong các bước triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng và toàn diện, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực mới để phát triển, đồng thời đóng góp vào xu thế hội nhập, liên kết kinh tế khu vực.

"Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước, để bảo đảm thực thi có hiệu quả các cam kết của các FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia".

Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam sẽ phải làm gì? ảnh 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới, đảm bảo thực thi có hiệu quả những cam kết của các FTA đã và sẽ tham gia

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh rút ra khỏi hiệp định TPP vào sáng 23/1 (giờ Mỹ).

Việc nước Mỹ rút khỏi TPP đã đặt hiệp định này vào khả năng đổ vỡ rất cao, bất chấp TPP có 12 thành viên và Quốc hội Nhật Bản đã thông qua hiệp định hồi tháng 12 năm ngoái. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng từng tuyên bố "TPP sẽ vô nghĩa nếu thiếu Mỹ".

Đánh giá sự tác động của việc TPP có khả năng sụp đổ, ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từng nhận định: "Không còn TPP nữa, hàng loạt luật phải thay đổi lại bị ‘đóng băng’ trở lại. TPP tạo ra nhiều động lực để cạnh tranh quốc tế và ngay trong sân nhà. Nếu đóng cửa lại, kinh tế sẽ trì trệ, đó là những vấn đề tôi rất lo lắng".

Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam sẽ phải làm gì? ảnh 2

Tân Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp định TPP hôm 23/1

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tú Thành – Trưởng đại diện của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Đông Nam Á ở Việt Nam, sự sụp đổ của TPP không phải là điều đáng mừng nhưng cũng không phải là chuyện quá tồi tệ, bởi Việt Nam sẽ cần thêm nhiều thời gian để chuẩn bị.

"TPP là một cuộc chơi dành cho những tay chơi lớn trong khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ hoạt động ở quy mô vừa và nhỏ. TPP chỉ là một phần trong cuộc cải cách của Việt Nam. Không có TPP thì Việt Nam vẫn sẽ cải cách", ông Thành cho biết.

Giới doanh nhân trong nước lại tỏ vẻ lạc quan hơn trước khả năng TPP sụp đổ. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nói: "Việt Nam đã tham gia đàm phán TPP ngay từ những ngày đầu. Nhưng nếu không có TPP, Việt Nam vẫn phải mở cửa và phát triển thương mại".

Ông Phạm Văn Thinh (CEO Deloitte Việt Nam) cho rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ nên xét về số lượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi TPP không nhiều. Không có TPP, Việt Nam sẽ "kiếm" thỏa thuận song phương, đa phương khác thay thế.

Còn Chủ tịch Tập đoàn FLC (FLC Group) Trịnh Văn Quyết thì cho rằng: "Nếu nói TPP không ảnh hưởng đến bất động sản Việt Nam thì không đúng nhưng ảnh hưởng không nhiều. Việt Nam tham gia bất động sản hội nhập với quốc tế chưa phải sâu rộng. Nếu có ảnh hưởng, chủ yếu các doanh nghiệp lĩnh vực hạ tầng, logistic, hạ tầng công nghiệp. Họ bị ảnh hưởng đáng kể, do ảnh hưởng đến luồng vốn, sự đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam".

Tin mới lên