Tài chính quốc tế

Mỹ, Trung sẽ xâm nhập và tước vũ khí của Triều Tiên?

(VNF) – Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mới đây "vô tình mà hữu ý" hé lộ một vài chi tiết của một trong những "kế hoạch quân sự tuyệt mật nhất" của Mỹ. Kế hoạch nhằm "xâm nhập và vô hiệu hóa" vũ khí Triều Tiên trong trường hợp cần thiết.

Mỹ, Trung sẽ xâm nhập và tước vũ khí của Triều Tiên?

Kho vũ khí Triều Tiên phát triển "chóng mặt" là thách thức lớn với Mỹ.

Mỹ đã ấp ủ kế hoạch này từ vài năm trước trong bối cảnh kho vũ khí Triều Tiên phát triển nhanh chóng nhưng không nhận được sự ủng hộ từ phía Trung Quốc vì nước này lo ngại sẽ mất đi uy tín và sức ảnh hưởng với Triều Tiên. 

Tuy nhiên, Mỹ vẫn kiên trì thuyết phục với hy vọng tránh một cuộc đụng độ đổ máu giữa lực lượng đặc biệt của Mỹ và quân đội Trung Quốc.

Vào ngày 12/12, ông Tillerson chia sẻ rằng Mỹ và Trung Quốc đã bàn bạc về kịch bản khi một điều gì đó xảy đến với Triều Tiên hoặc có bất cứ bất ổn nào trong chế độ Bình Nhưỡng , Washington và Bắc Kinh sẽ đảm bảo hệ thống vũ khí mà Triều Tiên đã và đang phát triển sẽ không rơi vào tay những đối tượng mà Mỹ và Trung Quốc không muốn chúng rơi vào.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Để được Trung Quốc gật đầu, Mỹ phải thực hiện nhiều cam kết: tìm và vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và sẽ rút đi sau khi hoàn thành nhiệm vụ; tuyệt đối không tìm cách can thiệp khiến chế độ Triều Tiên sụp đổ, hay "đốt cháy giai đoạn" cho một cuộc thống nhất 2 miền Triều Tiên chớp nhoáng; không đưa quân tới đường giới tuyến phi quân sự (DMZ), nhưng nếu có Mỹ cam kết sẽ rút về bên kia chiến tuyến sau khi giải trừ xong mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng.

Nói cách khác, Mỹ sẽ "đứng ngoài" để Trung Quốc tự quyết định số phận của Triều Tiên, hoặc để Hàn Quốc và Trung Quốc tự bàn bạc và thương lượng về cách tiếp quản Triều Tiên nếu kịch bản đó xảy ra.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ phỏng đoán rằng Triều Tiên có thể đã chuẩn bị sẵn vũ khí hạt nhân để bắn tới Hàn Quốc và Nhật Bản lần cuối trước khi sụp đổ, hoặc tự cho phát nổ trên lãnh thổ Triều Tiên nhằm ngăn chặn cuộc xâm nhập.

Mỹ, Hàn tập phá hủy vũ khí hủy diệt của Triều Tiên

Hàng trăm binh sĩ thuộc lực lượng quân sự của Mỹ và Hàn Quốc mới đây đã tiến hành cuộc tập trận chung để thực hành kỹ năng phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Triều Tiên trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, cuộc tập trận có tên "Cú đánh Chiến binh" (Warrior Strike) diễn ra trong 4 ngày tại Trại Stanley, căn cứ quân sự của Mỹ nằm cách thủ đô Seoul khoảng 20 km.

Hiện Mỹ duy trì khoảng 28.500 binh sĩ tại Hàn Quốc.

Nhiều quan chức quân sự cấp cao của hai nước, trong đó có Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Tướng Vincent K. Brooks và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Tướng Jung Kyung-doo đã trực tiếp thị sát tập trận.

Trại Stanley được xây dựng từ thập niên 1950 và có khoảng 5.000 binh sĩ đang đóng quân tại đây. Hiện Mỹ duy trì khoảng 28.500 binh sĩ tại Hàn Quốc và thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận với quân đội nước này. Bình Nhưỡng nhiều lần cáo buộc các cuộc tập trận này là để tập dượt cho kịch bản tấn công nhằm vào Triều Tiên và dọa sẽ sử dụng các biện pháp quân sự để đáp trả.

Nga "thúc" Mỹ, Triều tiến hành đàm phán

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov mới đây kêu gọi cả Mỹ và Triều Tiên cần chấm dứt ngay các cuộc khẩu chiến và những lời hăm dọa, nếu không sẽ dẫn đến "con đường chết chóc".

"Hành động ấy không chỉ phản tác dụng mà còn gây nguy hiểm. Moscow lấy làm tiếc khi cả Washington và Bình Nhưỡng đều chưa sẵn sàng đàm phán với nhau. Điều này sẽ ngăn cản sự tiến bộ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đang ngày càng xấu đi ở bán đảo Triều Tiên, từ đó dẫn tới sự leo thang căng thẳng đến mức không thể kiểm soát", RT dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov kêu gọi Mỹ và Triều Tiên ngừng khẩu chiến.

Thứ trưởng Ryabkov khẳng định Nga cũng đang cân nhắc sáng kiến của Tổng thư ký Antonio Guterres thiết lập các kênh liên lạc trung gian đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Nhà ngoại gia Nga hy vọng Washington và Bình Nhưỡng sẽ xem xét nghiêm túc sáng kiến này.

Tin mới lên