Tài chính quốc tế

Mỹ yêu cầu bắt em trai ông Ban Ki Moon vì lừa bán tháp Keangnam Hà Nội

(VNF) - Chính phủ Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc bắt giữ em trai của cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon vì liên quan đến vụ án hối lộ xây dựng việc tòa tháp Keangnam Landmark 72 tại Hà Nội, theo Reuters.

Mỹ yêu cầu bắt em trai ông Ban Ki Moon vì lừa bán tháp Keangnam Hà Nội

Mỹ yêu cầu Hàn Quốc bắt giữ Ban Ki Sang, em trai cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, và dẫn độ về Mỹ.

Ngày 20/1, trong phiên tòa tại Tòa án liên bang ở Manhattan (Mỹ), công tố viên đã yêu cầu bắt giữ Ban Ki Sang, em trai cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, và dẫn độ về Mỹ.

Ông Ban Ki Sang là giám đốc điều hành công ty xây dựng Hàn Quốc thuộc tập đoàn Keangnam. Một lãnh đạo của Keangnam cho biết ông Sang đã rời công ty vào tháng 3/2015 và hiện không rõ tung tích.

Con trai của Ban Ki Sang, Ban Joo Hyun, làm nghề môi giới bất động sản tại New Jersey, Mỹ cũng đã bị bắt.

Trước đó, theo cáo trạng dày 39 trang của tòa án liên bang Manhattan (Mỹ), ông Ban Ki Sang sắp xếp thuê con trai mình môi giới một khoản tái cấp vốn xây dựng khu phức hợp Keangnam Landmark 72 tại Hà Nội, chi phí hơn 1 tỷ USD. Ông Ban Joo Hyun đã nhận tiền từ tập đoàn Keangnam Enterprises và hứa sẽ sắp xếp việc bán tòa Keangnam cho một quỹ thịnh vượng thuộc chính phủ Qatar. 

Tháng 3/2013, thông qua một người quen Ban Joo Hyun gặp Malcolm Harris, tự xưng là nhà tư vấn nghệ thuật, người cũng bị buộc tội trong vụ án. Harris đề nghị sắp xếp một thỏa thuận mua bán Landmark 72 bằng cách hối lộ một quan chức.

Tháng 4/2014, Bahn Joo Hyun và Ban Ki Sang đồng ý trả trước 500 nghìn USD tiền hối lộ và sẽ trả thêm 2 triệu USD khi xong việc. Sau khi nhận được tiền, Harris không thực hiện bất kỳ kết nối nào. 

Theo điều tra của nhóm phóng viên tờ Joonggang, Bahn Joo Hyun đã đưa cho lãnh đạo Keangnam lá thư gửi từ Quỹ đầu tư ở Qatar khẳng định thương vụ mua bán đang tiến triển tốt và chỉ chờ sự phê chuẩn của ban lãnh đạo.

Tuy nhiên, thông tin chính thức từ Quỹ đầu tư Qatar khẳng định lá thư được trao cho lãnh đạo Tập đoàn Keangnam hoàn toàn là giả, thậm chí giả cả chữ ký và họ cũng không biết đến Keangnam. Lãnh đạo Quỹ đầu tư Qatar cho biết thêm rằng Bahn cũng đã gửi email cho họ nhưng họ đã từ chối và không còn liên lạc với Bahn từ lâu.

Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki Moon là ứng cử viên tiềm năng cho chức tổng thống Hàn Quốc trong các cuộc thăm dò dư luận. Ông Moon nói cảm thấy xấu hổ về việc các thành viên trong gia đình có tên trong vụ án nhưng ông hoàn toàn không biết về việc này.

Ông Ban Ki Moon đang là ứng cử viên tiềm năng cho chức tổng thống Hàn Quốc

Thông tin rao bán tòa nhà Keangnam Hà Nội đã xuất hiện trên báo chí Hàn Quốc sau hàng loạt bê bối tại công ty xây dựng Keangnam Enterprises như lập quỹ đen, đưa hối lộ và Chủ tịch Sung Wan Jong tự tử. Vào thời điểm đó, theo định giá của tòa án Hàn Quốc, tòa nhà và khối để có thể được bán với giá khoảng 800 triệu USD.

Sau thời gian dài thông báo chuyển nhượng, tòa nhà này đã về tay Công ty tài chính AON Holdings vào hồi đầu năm 2016.

Landmark 72 là toà nhà cao nhất Việt Nam, nằm ở phía Tây Nam của Hà Nội. Toà nhà có 72 tầng và có diện tích sử dụng 610.000 m2. Theo báo chí Hàn Quốc, Công ty Keangnam đã đầu tư 1.200 tỷ won (hơn một tỷ USD) để xây dựng toà nhà này, trong đó có gần một nửa là vay ngân hàng.

Tin mới lên