Ngân hàng

Năm 2017, Sacombank đặt kế hoạch lãi 585 tỷ, chưa rõ mục tiêu xử lý nợ xấu

(VNF) - Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thường Tín (Sacombank) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2016, theo đó, ngân hàng này cũng đồng thời công bố một số chỉ tiêu tài chính mục tiêu trong năm 2017.

Năm 2017, Sacombank đặt kế hoạch lãi 585 tỷ, chưa rõ mục tiêu xử lý nợ xấu

Sacombank đặt kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế 585 tỷ đồng trong năm 2017, tăng 276% so với năm 2016

Cụ thể, Sacombank đặt kế hoạch tăng tổng tài sản thêm 16%, vốn chủ sở hữu thêm 2%. Tổng huy động kế hoạch 2017 tăng 17%, trong đó, huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư tăng 20%. Dư nợ tín dụng kế hoạch tăng 19%, trong đó, cho vay khách hàng tăng 18%.

Đáng chú ý, Sacombank đặt kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế 585 tỷ đồng trong năm 2017, tăng 276% so với năm 2016.

Kế hoạch tài chính 2017 ban hành kèm báo cáo thường niên lần này của Sacombank vẫn còn một điểm chưa rõ ràng, đó là kế hoạch xử lý nợ xấu. Với cách trình bày như của Sacombank, kế hoạch xử lý nợ xấu của ngân hàng này có thể hiểu theo 2 hướng chính.

Kế hoạch Sacombank

Kế hoạch tài chính năm 2017 của Sacombank. Nguồn: Báo cáo thường niên Sacombank 2016

Hướng thứ nhất là Sacombank đặt kế hoạch đưa tỷ lệ nợ xấu sổ sách về mức 1%, từ mức 6,68% hiện nay. Hướng thứ hai là đưa tỷ lệ nợ xấu sổ sách giảm 1 điểm%, nghĩa là từ mức 6,68% hiện nay xuống còn 5,58% tại thời điểm kết thúc năm 2017.

Ngoài ra, còn hướng hiểu thứ 3 là giảm 1% nợ xấu sổ sách. Hướng hiểu này khó khả thi, vì như vậy Sacombank chỉ đặt mục tiêu đưa nợ xấu sổ sách về mức khoảng 6,61%.

Tuy nhiên, dù hiểu theo hướng nào thì tỷ lệ nợ xấu mục tiêu của Sacombank chỉ mang tính danh nghĩa, bởi nợ xấu của ngân hàng này phần lớn nằm ngoại bảng tại VAMC và tiềm ẩn trong các khoản phải thu, lãi dự thu.

Ngay cả khi biết rõ tỷ lệ nợ xấu kế hoạch được hiểu theo hướng nào thì cũng khó lòng xác định được lượng nợ xấu tuyệt đối mà ngân hàng này đặt kế hoạch xử lý trong năm 2017 là bao nhiêu, bởi điều này còn phụ thuộc vào lượng nợ xấu Sacombank ghi nhận thêm vào sổ sách trong năm 2017, bao gồm ghi nhận nợ xấu phát sinh mới, mua lại nợ xấu từ VAMC hoặc/và ghi nhận các khoản nợ xấu tiềm ẩn.

Giai đoạn 2016 – 2025, Sacombank đặt kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn bình quân 13%, đẩy mạnh cho vay phân tán và tăng trưởng tín dụng có chọn lọc (tăng trưởng bình quân 18% - 20%), nâng dần tỷ trọng các khoản thu phi tín dụng mà mũi nhọn là thu dịch vụ (tăng trưởng bình quân 17%).

Thêm vào đó, ngân hàng này cũng đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới mức 3%; tập trung đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ quá hạn, nợ xấu, nợ đã bán cho VAMC, với mục tiêu xử lý 65% - 75% trong vòng 3 năm đầu; giảm dần các khoản phải thu, tăng tài sản sinh lợi thông qua việc đẩy nhanh tiến trình xử lý tài sản cấn trừ nợ, giảm lãi dự thu.

Về chi phí, Sacombank đặt mục tiêu chi phí bình quân không tăng quá 9%/năm theo hướng ưu tiên chi phí trực tiếp phục vụ cho hoạt động kinh doanh, cắt giảm các chi phí có thể giảm, kéo giãn các chi phí chưa thực sự cần thiết; tiết kiệm các chi phí gián tiếp, tránh lãng phí.

Ngoài ra, Sacombank cũng đặt kế hoạch tăng cường năng lực tài chính thông qua việc tăng vốn chủ sở hữu qua nhiều hình thức: Tăng vốn cấp 2, tăng vốn điều lệ từ cổ đông hiện hữu (tăng bình quân 9%), nhà đầu tư chiến lược, tăng lợi nhuận không chia… Song hành đó, tái cơ cấu tài sản có rủi ro theo hướng giảm dần các nhóm tài sản có hệ số rủi ro cao.

Tin mới lên