Tài chính quốc tế

Nền công nghiệp tài chính châu Âu đang bắt đầu phân tán

(VNF) – Sự suy yếu của Luân Đôn trong vai trò là trung tâm tài chính châu Âu và sự nổi lên của các thành phố khác với tư cách trung tâm dịch vụ tài chính của một quốc gia hay của một phân khúc đặc trưng cho từng địa phương là những biểu hiện cho thấy quá trình phân tán của nền công nghiệp tài chính châu Âu đang bắt đầu.

Nền công nghiệp tài chính châu Âu đang bắt đầu phân tán

Sẽ có làn sóng di dời khỏi Luân Đôn sau khi Brexit hoàn tất

Luân Đôn sẽ không còn là trung tâm tài chính của châu Âu

Thực tế đã chứng minh rằng, ngoài Luân Đôn, không có một thành phố nào tại châu Âu có đầy đủ những yếu tố để cung cấp cho các khách thuê thuộc phân khúc tài chính.

Sự kết hợp kì diệu giữa chính sách thuế thuận lợi, luật lao động, nguồn cung văn phòng dồi dào, sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh và những tụ điểm giao lưu văn hóa xã hội đa dạng, hấp dẫn của Luân Đôn là điều gần như không thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào khác.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Luân Đôn có thể tiếp tục vị thế là trung tâm tài chính thế giới - kể cả khi Brexit không diễn ra.

"Sự gia tăng gần đây của thị trường tài chính tại các thành phố trung tâm như Moscow, Warsaw, Milan hay Brussels cho thấy một xu thế đang hình thành. Những thành phố này đang dần đóng vai trò như các trung tâm dịch vụ tài chính của một quốc gia hay của một phân khúc đặc trưng cho từng địa phương. Sự phát triển của những thành phố này là hệ quả tất yếu cho quá trình phân tán đang bắt đầu của nền công nghiệp tài chính châu Âu", hãng nghiên cứu bất động sản Savills nhận định.

Nền công nghiệp tài chính châu Âu đang bắt đầu phân tán ảnh 1

Sự phân tán của nền công nghiệp tài chính châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của công nghệ

Hiện nay, có rất nhiều công ty tài chính đã có động thái phát triển dịch vụ vượt xa ra ngoài biên giới, tiếp cận những thị trường lân cận, hoặc thậm chí cân nhắc đổi mới các hoạt động dịch vụ trước tháng 6/2016.

Hệ quả của các động thái này là trung tâm tài chính chuyên biệt của Frankfurt có tổng giá trị gia tăng khoảng 2% so với cùng kỳ 10 năm trước. Trong khi đó, sự phát triển của Luân Đôn trong một thập kỷ vừa qua đã chậm hơn rất nhiều.

Savills cho rằng quá trình phân tán về địa lý của hoạt động tài chính tại châu Âu đã, đang và sẽ có khả năng tiếp tục chịu ảnh hưởng của các cải tiến về công nghệ.

Vì thế, không quá bất ngờ khi một số phân khúc tài chính phát triển nhanh nhất đang thuộc về những thành phố mạnh về công nghệ như Stockholm hay Amsterdam.

Sẽ có cuộc di dời khỏi Luân Đôn?

Đã có rất nhiều suy đoán từ phía truyền thông và doanh nghiệp về cách mà Luân Đôn sẽ từ bỏ vị trí là trung tâm tài chính khi nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

Rất nhiều doanh nghiệp quốc tế, bao gồm các ngân hàng từng lựa chọn Luân Đôn là cầu nối tới châu Âu, hiện đang hoài nghi về khả năng tiếp tục kết nối của Luân Đôn tới các thị trường tài chính châu Âu khác. 

Hiện nay, các doanh nghiệp có trụ sở tại Anh dưới sự kiểm soát của chính phủ Anh có khả năng cung cấp các dịch vụ ở bất kì đâu trong Liên minh châu Âu (EU) và rộng hơn nữa là Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) nhờ những đặc quyền  tự do trao đổi và làm việc tại các quốc gia thuộc hai khối này. Bất kỳ sự di dời nào khỏi EU trong trường hợp nước Anh ở lại hoặc tái gia nhập EEA cũng không ảnh hưởng tới những đặc quyền này.

Tuy nhiên, trong trường hợp nước Anh rời khỏi EU và không còn là thành viên của EEA, đặc quyền tự do đi lại và làm việc tại các quốc gia thuôc EU có thể bị giới hạn hoặc cấm vận. Điều này sẽ làm suy yếu khả năng cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp Anh tới những nước còn lại thuộc EEA.

"Với tư cách là quốc gia cung cấp dịch vụ tài chính quan trọng, một số thỏa thuận với nước Anh có thể được ký kết. Tuy nhiên, hiện đã có một vài ngân hàng và doanh nghiệp quốc tế bắt đầu cân nhắc tìm kiếm hoặc di dời một số chi nhánh tới những thành phố khác tại châu Âu", Savills cho biết.

Không chỉ các ngân hàng lớn phải đối mặt với vấn đề di dời hậu Brexit. Các công ty bảo hiểm cũng  đang có những  kế hoạch cho riêng mình. London Lloyd’s đã tuyên bố các công ty bảo hiểm sẽ buộc phải di dời một bộ phận kinh doanh khỏi EU nếu không thể tiếp tục phục vụ thị trường đơn lẻ này.

Các tập đoàn lớn và các công ty đa quốc gia với các công ty tài chính chuyên biệt cũng có thể đối mặt với những vấn đề tương tự như các ngân hàng và công ty bảo hiểm.

Các thị trường tài chính sẽ đi về đâu?

Có những thực tế đáng lo ngại trong việc di dời khoảng 40.000 nhân viên thuộc lĩnh vực tài chính của Luân Đôn tới một thành phố châu Âu khác. Bởi có rất ít các thành phố châu Âu có đủ mặt bằng văn phòng với những tiêu chuẩn tài chính có thể đáp ứng được một lượng lớn nhân viên một cách nhanh chóng.

Ví dụ như với Frankfurt, chỉ cần một bộ phận nhân viên trong lĩnh vực tài chính Luân Đôn cũng có thể làm tắc nghẽn cả thành phố này.

Và nếu như 13.000 lao động rời khỏi Luân Đôn để cùng di chuyển đến một thành phố, điều này sẽ đòi hỏi  nguồn cung văn phòng cao cấp lên tới 250.000 m2!

Viễn cảnh về một thành phố trở thành trung tâm tài chính duy nhất của châu Âu, do đó, sẽ khó xảy ra. Thay vào đó, nhiều khả năng các công ty tài chính sẽ lựa chọn các thành phố khác nhau dựa trên nhiều lý do.

Nền công nghiệp tài chính châu Âu đang bắt đầu phân tán ảnh 2

Frankfurt có thể trở thành một thành phố tiềm năng cho sự di dời của các ngân hàng và công ty tài chính khỏi Luân Đôn

Sẽ mất nhiều năm để có đủ số lượng mặt bằng văn phòng có khả năng cung ứng cho một cuộc di dời tài chính có quy mô lớn như của Luân Đôn có thể được hình thành. Điều này đồng nghĩa với việc những công ty di dời đầu tiên sẽ có lợi thế do lượng mặt bằng giới hạn.

"Các công ty tài chính có tiềm năng di dời sẽ không chỉ muốn lựa chọn những thành phố  dựa trên đặc điểm về vị trí kinh doanh, mà còn cần cân nhắc tiềm năng phát triển của thành phố đó. Vì vậy, Paris, Berlin, Madrid hay Frankfurt sẽ là những thành phố  tiềm năng cho việc di dời", Savills nhận định.

Tin mới lên