Diễn đàn VNF

Nền kinh tế phi tiền mặt sẽ giảm thiểu tiêu cực liên quan đến tài chính, tiền tệ

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nói tại Việt Nam, số người dân có tài khoản ngân hàng chỉ vào khoảng 20-30%, còn những người dân cùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn đa phần tiêu tiền mặt.

Nền kinh tế phi tiền mặt sẽ giảm thiểu tiêu cực liên quan đến tài chính, tiền tệ

Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nói:

"Thực tế cho thấy, tiền mặt hỗ trợ rất nhiều cho vấn nạn tham nhũng, rửa tiền… Các loại tiền phạm pháp, tiền từ các hoạt động ma túy, buôn lậu, mại dâm… đều được lưu chuyển bằng tiền mặt vì tiền mặt không để lại dấu vết, không mang tính chất pháp lý; bởi có tiền là mua bán và giao nhận, không ai ghi lại mã của từng đồng tiền để báo cho cơ quan an ninh là cơ sở điều tra.

Do đó, nếu nền kinh tế chuyển sang không dùng tiền mặt thì tất cả vấn đề mua bán như nhà cửa, chi tiêu tiêu dùng, chuyển khoản… đều phải thông qua hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng hiện nay với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại đều có thể truy xuất nguồn gốc, hóa đơn cũng như thông tin giao dịch của người chuyển tiền và người nhận tiền, tạo thành dấu vết rất rõ ràng cho các cơ quan điều tra. 

Vì thế, nền kinh tế phi tiền mặt dù không thể hoàn toàn triệt tiêu nhưng sẽ giảm thiểu tối đa, hiệu quả các vấn đề tiêu cực liên quan đến tài chính, tiền tệ".

- Vậy tại sao vấn đề này vẫn còn trì trệ tại nước ta, thưa ông?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, thói quen tiêu tiền mặt đã tồn tại hàng trăm năm, nên việc chuyển đổi sang một nền kinh tế phi tiền mặt không phải là vấn đề dễ dàng. Nhất là khi tại Việt Nam, số người dân có tài khoản ngân hàng chỉ vào khoảng 20-30%, còn những người dân cùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn đa phần tiêu tiền mặt. 

Thực tế là ngay cả người thành phố khi ra đường mà trong túi chỉ có thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng thì bất an lắm vì không phải chỗ nào cũng có thiết bị thanh toán. Thói quen này khiến việc đưa nền kinh tế từ tiền mặt sang phi tiền mặt trở nên vô cùng khó khăn.

Đặc biệt, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt bị trì hoãn còn do những người có liên quan đến tham nhũng, phạm pháp tìm cách cản trở. Bởi nếu chuyển đổi thành công sang nền kinh tế phi tiền mặt, những hành vi phạm pháp của họ sẽ bị cản trở hoặc bị phát hiện.

- Theo ông, cần biện pháp như thế nào để thay đổi?

Theo tôi, giải pháp cốt yếu là phải có nhiều địa điểm chấp nhận phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, từ siêu thị đến chợ, những điểm POS phải mở rộng thì giúp người dân chi tiêu, mua sắm không dùng tiền mặt. 

Ngoài ra, Chính phủ phải có chương trình giáo dục người dân về phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đề cập đến những vấn đề căn bản nhất như mở tài khoản như thế nào, tại sao phải mở tài khoản, sử dụng công cụ như thế nào, cách thức bảo mật…

Tôi thấy ngay như bên Mỹ - một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, cách đây 10 năm đã phải mở chương trình giáo dục tài chính cơ bản cho trẻ con đến người lớn, từ sinh viên đến người đi làm (gọi là "money smart" – khéo dùng tiền)… để dân chúng hiểu lợi ích và biết cách sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

- Chính phủ đã đặt ra mục tiêu rất cụ thể tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, việc thực hiện có khả thi hay không, thưa ông?

Đề án này cho thấy Chính phủ rất quyết tâm nhưng quyết tâm phải đi cùng kế hoạch hành động. Chính phủ đang dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng để cung cấp dịch vụ thanh toán không tiền mặt, nhưng như thế là không đủ vì ngân hàng là doanh nghiệp nên làm gì có lợi thì làm. 

Tất nhiên, ngân hàng cũng mong muốn có thêm khách hàng sử dụng dịch vụ, đăng ký làm thẻ… nhưng có lẽ họ thấy đó không phải là trách nhiệm của họ trong việc kêu gọi người dân không dùng tiền mặt.

Vì thế, trách nhiệm của Chính phủ là phải đi về vùng sâu vùng xa, hệ thống ngân hàng, quỹ tiết kiệm, tín dụng khuyến khích người dân chuyển khoản, mở tài khoản ngân hàng. Nếu không thực hiện vẫn còn 70-80% sử dụng tiền mặt thì rất khó, mục tiêu phải ít nhất có tỷ lệ 60% người dân sử dụng thanh toán không tiền mặt. 

Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% là tính cả tỷ lệ thanh toán thuế, phí của doanh nghiệp. 

Nhưng điều cần quan tâm hơn cả là tỷ lệ trong dân, bởi những hành vi phạm pháp thường xuất phát từ dân sự, cá nhân hơn là tổ chức, doanh nghiệp. Nên kiểm soát trong dân phải đạt tỷ lệ trên 60% không dùng tiền mặt thì mới có thể đem lại hiệu quả, hạn chế các tiêu cực.

Tin mới lên